Bên cạnh đó công tác đào tạo, HLV tài năng thể thao được tập trung đầu tư đúng mức, các VĐV Thanh Hóa đạt nhiều thành tích trong đấu trường quốc gia, quốc tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, HLV, hướng dẫn viên, trọng tài thường xuyên được chăm lo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Cụ thể, thời gian qua để công tác triển khai và thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản, quyết định tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động TDTT. Cùng với đó, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách cho hoạt động TDTT để xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực TDTT của tỉnh ở thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo.
Ngành VHTTDL tỉnh Thanh Hóa luôn phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT trong quản lý, điều hành các hoạt động TDTT, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các CLB TDTT nhằm hướng các liên đoàn, hội, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, Thanh Hóa có 7 tổ chức xã hội nghề nghiệp về lĩnh vực TDTT cấp tỉnh gồm: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Vovinam, Liên đoàn Bóng bàn, Hội tâm năng dưỡng sinh, hội Golf và hàng trăm hội, CLB TDTT cấp huyện. Nhìn chung các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động năng động, tích cực, chấp hành nghiêm mọi quy định trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thi đấu các giải phong trào với quy mô cấp tỉnh.
Ngành VHTTDL phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng các môn học TDTT nội khóa, đẩy mạnh các hoạt động TDTT ngoại khóa trong các trường phổ thông. Đến nay, về giáo dục thể chất có 100% các trường thực hiện tốt giáo dục thể chất thường xuyên, nề nếp; có 98% số trường thực hiện TDTT ngoại khóa, có 100% số trường có giáo viên chuyên trách TDTT có trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hàng năm 100% nhà trường thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc kiểm tra tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng. Tính đến tháng 11/2015 số người tập luyện TDTT thường xuyên trong công chức, viên chức, lao động đạt 60% số gia đình được công nhận là gia đình Thể thao đạt 55%. Phong trào hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang ngày càng phát triển và đi vào hoạt động có kế hoạch, được các đơn vị đưa vào bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Kết quả kiểm tra đánh giá: lực lượng quân đội đạt 100% chiến sỹ khỏe; lực lượng công an đạt 98% chiến sĩ khỏe.
Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBDN tỉnh và lãnh đạo các cấp, các ngành trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, TDTT từ tỉnh đến cơ sở. Các thiết chế văn hóa, Thể thao đã phát huy tốt tính năng tác dụng, phục vụ có hiệu quả đời sống tinh thần nhân dân, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, Thể dục Thể thao là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Trong nhiều năm qua ngành TDTT Thanh Hóa đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch tuyển chọn, đào tạo VĐV các tuyến, tạo nguồn VĐV cho các môn Thể thao thành tích cao đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Tính đến năm 2015, tuyến 1 (tỉnh) có 200 VĐV, tuyến 2 (tuyển trẻ) có 250 VĐV, tuyến 3 (cấp huyện) có 450 VĐV và hàng nghìn VĐV tuyến 4 (cấp xã), là các lớp năng khiếu nghiệp dư tại các huyện, thị xã, thành phố. Thành tích thi đấu tại các giải Thể thao quốc gia, đến năm 2015 có 144 HCV, 166 HCB, 187 HCĐ, giair Thể thao quốc tế có 74 HCV, 60 HCB, 35 HCĐ.
Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, HLV, HDV và trọng tài, hàng năm ngành VHTTDL thường xuyên của cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về TDTT; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị do Tỉnh, Tổng cục TDTT tổ chức. Phối hợp với Trường cao đẳng TDTT tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn và trọng tài các môn TDTT cấp cơ sở. Tính đến hết năm 2015 ngành TDTT Thanh Hóa đã có hơn 30 thạc sỹ, 80% cán bộ, công chức, viên chức, HLV, có trình độ cử nhân TDTT. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở, từ năm 2011 đến năm 2015 đã tổ chức được 23 lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho gần 2.500 học viên.
Song song với những kết quả đạt được, TDTT Thanh Hóa vẫn còn đó những hạn chế, khó khăn nhất định, cần khắc phục từng bước để sự nghiệp TDTT phát triển mạnh mẽ và bền vững như: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan tham mưu về Nghị quyết còn hạn chế. Công tác triển khai nội dung Nghị quyết còn hạn chế chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa thường xuyên. Phong trào Thể dục Thể thao quần chúng phát triển chưa đồng đều, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Thành tích một số môn Thể thao thành tích cao chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh...
Bước vào giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu mà ngành TDTT Thanh Hóa phấn đấú đạt 43% dân số người tập luyện TDTT thường xuyên, gia đình Thể thao đạt 30% số hộ, CLB Thể thao đạt 3.800 CLB, trường học thực hiện giáo dục thể chất có nề nếp và chất lượng đạt 100%, trường học thực hiện TDTT ngoại khóa đạt 100% số trường. Lực lượng vũ trang đạt chiến sỹ khỏe đạt 100%. Đối với Thể thao thành tích cao phấn đấu đến năm 2020 số lượng VĐV Thể thao thành tích cao đạt 200 VĐV (trong đó 500 VĐV tuyến 1 và 1.500 VĐV tuyến 2).
Dự kiến hàng năm tham gia thi đấu từ 90 - 100 giải Thể thao quốc gia và quốc tế, đăng cai 05 giải quốc gia. Đẳng cấp VĐV quốc gia hàng năm từ 65 - 80 VĐV kiện tướng và 70 -90 VĐV cấp 1. Tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018 phấn đấu giữ vị trí thứ 6 trong tốp 10 tỉnh, thành, ngành dẫn đầu của cả nước. Đội bóng đá, Bóng chuyền trong tốp 5 đội mạnh cả nước. Đóng góp VĐV xuất sắc vào đội tuyển Việt Nam thi đấu các giải Khu vực, châu lục và thế giới. Phấn đấu đạt tỷ lệ từ 5% - 7% trong tổng số huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam đạt được.
Về cơ sở vật chất, tỉnh phấn đấu hoàn thành các hạng mục công trình thuộc khu Liên hợp TDTT, cấp huyện, thị xã, thành phố: đảm bảo 100% các huyện có nhà tập luyện và thi đấu, 40 -60% có bể bơi. Cấp xã, phường, thị trấn: vùng 1 (khu vực đồng bằng, ven biển, thị xã, thành phố) có 100% xã, phường có phòng tập đơn giản (đạt 399 xã), 25 - 30 % có bể bơi hoặc bể bơi đơn giản (100 - 1200 xã). Vùng 2 (khu vực 4 huyện miền núi và trung du): có 95 - 100% số xã, phường, thị trấn có sân thể thao phổ thông (đạt 125 - 132 xã): 80 -90% có phòng tập đơn giản. Vùng 3 (khu vực 7 huyện miền núi cao): có 80% số xã, phường, thị trấn có sân Thể thao phổ thông (đạt 82 xã); có 55 - 65% có phòng tập đơn giản (đạt 57 - 67 xã).
N. H