You must configure this module first via "Module Settings"

Bình Phước: kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Số 16/NQ-CP

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP, ngày 14-1-2013 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 nhận thức về công tác phát triển Thể dục Thể thao (TDTT) của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở nhiều cơ sở đã có sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động phong trào TDTT, từ đó thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở phát triển mạnh mẽ.

Trong đó, TDTT quần chúng được đầu tư phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên tham gia và hưởng ứng tích cực; các chỉ tiêu về Thể thao quần chúng tăng đều qua từng năm; hệ thống tổ chức các giải Thể thao cấp tỉnh được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT cho mọi người trong những năm qua, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các huyện, thị xã và các xã phường, thị trấn đều có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tập luyện, thi đấu Thể thao. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" trên toàn tỉnh tiếp tục được duy trì và từng bước phát triển, thu hút sự tham gia đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn; các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền, các trò chơi dân gian và một số môn Thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển mạnh mẽ trong nhân dân. Vì vậy phong trào TDTT phát triển tương đối đồng đều. Năm 2015, trên toàn tỉnh số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 27%, số hộ gia đình Thể thao đạt 15%. Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang được duy trì có nề nếp, tỷ lệ chiến sỹ khỏe đạt 100%. Hàng năm tổ chức tốt Hội thao quốc phòng, chiến sĩ khỏe cấp huyện, tỉnh tham gia thi đấu quân khu, khu vực và toàn quốc. Ngoài ra còn tham gia thi đấu một số giải Thể thao của tỉnh.

Hoạt động của các CLB TDTT ở các cơ quan đơn vị, cơ sở: khoảng 60% các xã, phường, thị trấn có các đội, nhóm tập luyện TDTT, hiện có 80 CLB hoạt động đều đặn có hiệu quả. Các CLB TDTT, các đội nhóm Thể thao là hạt nhân, lực lượng nòng cốt để các huyện, thị xã chọn cử thành phần tham dự các giải Thể thao do tỉnh tổ chức. Từ năm 2013 - 2015 có nhiều CLB, Liên đoàn trong tỉnh được thành lập như CLB Quần vợt, Xe đạp, Cầu lông, Bóng bàn, Thẩm mỹ, Thể hình, CLB Bóng đá tỉnh, Liên đoàn Vovinam, CLB Võ thuật Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh...

Ngành VHTTDL tỉnh đã phối hợp hoạt động TDTT giữa mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, doanh nghiệp trên toàn tỉnh xây dựng được các kế hoạch, chương trình liên tịch phối hợp tổ chức thi đấu một số môn Thể thao giữa các ban, ngành đoàn thể. Qua đó, tạo sân chơi Thể thao, giao lưu học hỏi nâng cao trình độ cho các VĐV phong trào, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng/lớp nhân dân hưởng ứng tham gia tập luyện TDTT. Từ đó đã tổ chức được hơn 30 giải/năm.

Hoạt động TDTT ở các trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm và chất lượng được nâng lên, số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt tỷ lệ 100%; số trường học tổ chức các hoạt động Thể thao ngoại khóa năm 2014 đạt 66% năm 2015 tăng lên 87%. Các hoạt động được tổ chức dưới nhiều hình thức sinh hoạt theo CLB, lồng ghép cùng các hoạt động thi đua của đoàn, đội. Các hoạt động thi đấu Thể thao trong nhà trường được duy trì thường xuyên như: Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT học sinh và Hội thao quốc phòng - an ninh cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh được tổ chức luân phiên qua từng năm, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia.

Đội ngũ giáo viên thể chất được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên thông qua chương trình tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn của Sở GD&ĐT, Sở VHTTDL. Qua số liệu tổng hợp giáo viên thể chất năm học 2015 - 2016 trên toàn tỉnh có 640 giáo viên TDTT (trong đó: 249 giáo viên cấp tiểu học, 257 giáo viên cấp THCS, 134 giáo viên cấp THPT) chiếm 61% có chuyên môn về TDTT, số giáo viên kiêm nhiệm chiếm 38,9% chủ yếu là ở cấp tiểu học. 100% số trường học có trang thiết bị, sân bãi, dụng cụ TDTT chủ yếu để phục vụ cho việc giảng dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT, cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao cho học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc bảo tồn và phát triển các môn Thể thao mang đậm bản sắc dân tộc được quan tâm đúng mức và duy trì tổ chức Liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số định kỳ 2 năm một lần. Trong các lễ hôHội thi Thể thao hoặc các giải thi đấu cấp tỉnh vẫn được tổ chức các môn: Kéo co, Đẩy gậy, Cà kheo, Vật, Cờ tướng, Bắn nỏ...

Đặc biệt, trong năm 2014 tỉnh tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ IV, với 15 môn Thể thao gồm: Điền kinh, Quần vợt, Cờ tướng, Cờ vua, Võ cổ truyền, Taekwondo, Karatedo, Bóng đá, Bóng chuyền, Bơi lội, Bóng bàn, Cầu lông, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Kéo co. Tham dự Đại hội TDTT cấp tỉnh có 15 đoàn với hơn 1.600 VĐV, trong đó có 520 VĐV nữ, hơn 400 VĐV là người dân tộc thiểu số. BTC đã trao 173 bộ huy chương cho toàn Đại hội. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, đoàn Bình Phước đứng thứ 24/65 đoàn tham dự.

Việc đầu tư xây dựng các thiết chế TDTT công cộng được quan tâm. Trong 3 năm qua, tuy điều kiện ngân sách của tỉnh gặp không ít khó khăn, nhưng UNBD tỉnh cũng đã dành phần ngân sách đầu tư xây dựng thêm 4 nhà thi đấu TDTT cấp huyện và tu bổ, cải tạo một số Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng trên địa bàn các xã theo chương trình nông thôn mới, lắp đạt 20 bộ thiết vị tập luyện TDTT ngoài trời tại khu vực tượng đài Đồng Xoài...

Ngoài ra công tác xã hội hóa TDTT được xem là nguồn lực quan trọng để phát triển TDTT cho mọi người, nhiều cá nhân tổ chức đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất với nguồn kinh phí hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng, cụ thể đầu tư cho các môn Bóng đá, Quần vợt và Bơi lội, với số liệu thống kê trên toàn tỉnh có 100 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 91 sân Quần vợt và hơn 50 bể bơi.

Bên cạnh đó, Thể thao thành tích cao được đầu tư trọng điểm, có lộ trình, mục tiêu cụ thể, ưu tiên các môn Thể thao mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh, thành tích Thể thao được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, tỉnh đóng góp hơn 10 VĐV cho đội tuyển quốc gia ở các tuyến, số lượng đẳng cấp của VĐV cũng được nâng lên (từ 65 VĐV đẳng cấp năm 2013 lên 80 VĐV năm 2015). Đội tuyển Bóng đá tỉnh được thăng hạng nhất và trụ hạng thành công trong năm 2015, đội Bóng chuyền nữ Tập đoàn Cao su Bình Phước luôn duy trì thi đấu ở hạng đội mạnh quốc gia.  

Tính đến hết năm 2015, tỉnh đang quản lý 124 VĐV năng khiếu, 40VĐV đội tuyển trẻ, 101 VĐV đội tuyển, 80 VĐV đạt cấp I quốc gia, 27 VĐV đạt kiện tướng quốc gia. Kể từ năm 2013 - 2015, đoàn VĐV tỉnh đã giành được 500 huy chương các loại tại các giải thể thao trong nước (tỉnh, khu vực, toàn quốc) và quốc tế. 

Để Thể thao thành tích cao của tỉnh đi vào chiều sâu và ngày càng có chất lượng, tỉnh Bình Phước đặc biệt chú trọng xây dựng các môn Thể thao trọng điểm, đào tạo tài năng Thể thao cụ thể: đối với cấp huyện, thị xã các đơn vị ngay từ đầu đã xác định rõ thế mạnh theo từng đặc điểm địa phương để có hướng chỉ đạo và đầu tư cơ sở vật chất phù hợp. Hàng năm tổ chức các giải thể thao nhằm tuyển chọn ra ra các VĐV tài năng cung cấp lên tuyến tỉnh. Ở cấp tỉnh, xác định  được 10 môn Thể thao trọng điểm và 5 môn Thể thao để tăng cơ hội tranh huy chương tại các giải toàn quốc. Hàng năm tỉnh Bình phước đào tạo tập trung từ 150 đến 200 VĐV tuyến trẻ và tuyến tuyển để tham gia thi đấu các giải Thể thao cụm, khu vực và toàn quốc.

Ngoài ra, thông qua chương trình phối hợp TDTT với thành phố Hồ Chí Minh, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia và các tỉnh bạn, Trung tâm TDTT tỉnh cũng đã gửi những VĐV có tiềm năng tham gia tập huấn dài hạn như kiếm, Bơi lội và cá môn Võ đã đem lại nhiều thành tích cho Thể thao tỉnh nhà.

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn TDTT cơ sở nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ TDTT cho các đối tượng là công chức văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn, giáo viên GDTC, cán bộ lực lượng vũ trang phụ trách công tác TDTT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn từng môn như: Thể dục dưỡng sinh, Võ thuật cổ truyền, Taekwondo... trung bình mỗi lớp có khoảng 60 -70 học viên tham dự, đây là lực lượng nòng cốt để phát triển phong trào TDTT ở cơ sở. Cử cán bộ phụ trách TDTT cấp tỉnh và các bộ môn tham gia các lớp tập huấn do Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Thể thao các môn tổ chức.  

N. H 

Ảnh trong bài
  • Bình Phước: kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Số 16/NQ-CP