Chỉ trong vài năm trở lại đây, phong trào TDTT của tỉnh Tây Ninh có những bước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên các địa bàn dân cư, với nhiều hình thức hoạt động TDTT phong phú và đa dạng ở các cấp, các ngành như: Hội khoẻ Phù Đổng, hội thao, các giải, hội thi thể thao hàng năm. Đặc biệt là tổ chức định kỳ Đại hội TDTT các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đã thu hút hàng vạn người tham gia tập luyện và thi đấu. Có được những kết quả trên trước hết là do Sở VH,TT&DL đã chủ động xây dựng kế hoạch ký liên tịch, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Y tế, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh... để phát triển phong trào TDTT theo từng đối tượng.
Tính bình quân hàng năm có từ 15 giải - 20, hội thao được các ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức theo định kỳ, trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm, ngày thành lập ngành… tạo cho phong trào TDTT quần chúng ở có nhiều nét khởi sắc theo hướng xã hội hoá như: Giải Cầu giải Cầu lông Tây Ninh mở rộng cúp donexpro; giải Cầu lông chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp; giải Việt dã Sacombank vì sức khỏe cộng đồng…
Ngoài việc đầu tư kinh phí tổ chức các giải thi đấu TDTT thì hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT từng bước được đầu tư xây dựng từ các nguồn đóng góp của cộng đồng. Khoảng 10 năm trở về trước (từ 2005) toàn tỉnh chỉ có ít điểm tập, Câu lạc bộ TDTT với loại hình hoạt động đa số là các điểm tập cầu lông, thì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 500 cơ sở kinh doanh TDTT do tư nhân đầu tư xây dựng như phòng tập, sân bóng, hồ bơi,…; 28 sân Quần vợt, 03 sân Bóng đá 11 người, 103 sân Bóng đá mini cỏ nhân tạo, 24 hồ bơi, 2 nhà tập thể thao (Nhà nước đầu tư giao cho tư nhân hoạt động: Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TT, Nhà tập Bóng bàn), 7 Phòng tập Bóng bàn, 6 nhà tập Cầu lông (sân Hoàng Tuấn Tp, sân Bưu Điện tỉnh, sân Thanh Long Tân Châu, sân Hoàng Dung và Như ý huyện Tân Biên, sân TTVHTT Gò Dầu, ), 330 bàn Billards, 32 phòng tập thể hình, 02 sân Bóng chuyền, 31 phòng tập khiêu vũ thể thao và Thể dục thẩm mỹ, 43 điểm tập Thể dục dưỡng sinh với 1.320 hội viên, 131 điểm tập các môn võ thuật: môn Taekwondo 44 điểm, môn Karatedo 44 điểm, môn Vovinam 21 điểm, môn Võ Cổ truyền 22 điểm, 150 loại hình thể thao khác chủ yếu là các lớp, điểm tập, CLB được mở tại các cơ quan, xí nghiệp, công ty và trường học như: Cờ, Cầu lông, Xe đạp, TDDS, các môn thể thao giải trí…
Hầu hết các cơ sở xã hội hóa thể thao đều có sự đầu tư lớn về kinh phí nên thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện. Hiện tại, tổng số kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất về TDTT do tư nhân đầu tư trên 50 tỷ, trong năm 2015 đầu tư trên 19 tỷ đồng, xây dựng mới cơ sở vật chất bao gồm chủ yếu là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, quần vợt, hồ bơi, phòng tập các môn: Thể dục thẩm mỹ, Thể hình, Taekwondo và trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động TDTT của các cơ sở tư nhân.
Điển hình trong công tác xã hội hóa cơ sở vật chất là khu thể thao bao gồm hồ bơi, sân quần vợt và phòng tập thể hình thuộc Trung tâm thương mại giải trí Cà Na có số vốn đầu tư 15 tỷ đồng, khu thể thao dân lập Hữu Hạnh (Thạnh Đông, Tân Châu) bao gồm 02 sân Bóng đá mi mi cỏ nhân tạo, 01 sân bóng chuyền đạt chuẩn, 01 phòng tập thể hình với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng.
Hiện nay trên địa bàn Tây Ninh có 6 Liên đoàn, Hội, CLB cấp tỉnh (được thành lập theo Nghị định 45) là: Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Hội Vovinam, Hội Thể dục dưỡng sinh, Câu lạc bộ Mô tô thể thao. Hàng năm mỗi Liên đoàn, Hội, CLB của tỉnh sẽ vận động nguồn tài chính từ các tổ chức xã hội để tổ chức ít nhất 01 giải trong năm với số tiền từ 30 – 150 triệu đồng/ 01 giải.
Bên cạnh đó, ở cấp huyện, thành phố có 3 Liên đoàn, Hội, CLB (theo Nghị định 45) và cấp xã là 363 CLB (Theo Thông tư 18). Tuy số CLB, Hội tương đối nhiều, nhưng về chất lượng hoạt động của các tổ chức này chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Sở VHTTDL sẽ xây dựng kế hoạch quản lý, hướng dẫn các tổ chức này phát huy hết khả năng, tiềm năng của mình trong thời gian tới.
Ngoài các Liên đoàn, Hội, CLB trên, Công ty cổ phần Bóng đá Tây Ninh cũng là một trong những đơn vị xã hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả. Hiện nay hoạt động của Công ty cổ phần Bóng đá Tây Ninh chủ yếu dựa vào kinh phí tài trợ của Công ty Xi măng Fico Tây Ninh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Tây Ninh và một số doanh nghiệp khác. Kinh phí hoạt động năm 2014 – 2015 là 21 tỷ.
Bằng nguồn đóng góp của các tổ chức, các cá nhân và doanh nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng đã góp phần tích cực, đáp ứng tốt cho nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân các địa phương, các ngành, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động TDTT quần chúng phát triển theo hướng xã hội hoá.
Từ những chuyển biến mới trong nhận thức, cũng như từ kết quả đạt được trong công tác xã hội hóa TDTT, nhu cầu tham gia tập luyện TDTT của nhân dân ngày càng tăng. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã xem lĩnh vực TDTT là một nhiệm vụ chính trị, từ đó quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho các hoạt động TDTT, thay đổi phương thức quản lý và tổ chức hoạt động TDTT cho phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đông đảo nhân dân được rèn luyện và hưởng thụ các giá trị của TDTT.
Việc tập luyện TDTT của người dân đã trở thành một nhu cầu cấp thiết và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mọi người đều tự chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để luyện tập, nhằm nâng cao sức khỏe, góp phần xây dựng hoàn thiện phẩm chất, tư cách của con người mới góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo số liệu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 29% dân số tập thể thao thường xuyên; 22,22% số gia đình thể thao. Kết quả này chính là thành quả của sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó, một phần không nhỏ chính là hiệu quả thu được từ công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT. Đây cũng chính là một trong những giải pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa thể thao Tây Ninh ngày càng phát triển.
HP