|
Thể thao Tây Ninh phấn đấu đạt 33% dân số tham gia tập luyện thường xuyên vào năm 2020 (Ảnh: Thế Thiện) |
Tây Ninh là một tỉnh nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ, nằm giữa các trung tâm kinh tế – thương mại là thành phố Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh (Campuchia), giao điểm quan trọng giữa hệ thống giao thông quốc tế và quốc gia, thông thương với các vùng kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Tây Ninh phát triển phong trào TDTT.
Việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ chính trị được gắn với Cuộc vận động ”Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các hoạt động TDTT được tổ chức lồng ghép, gắn kết với các hoạt động văn hóa đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe con người; tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đặc biệt làm cho đời sống người dân thêm phong phú, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Hàng năm, các hoạt động TDTT quần chúng được tổ chức vào các ngày lễ lớn và đỉnh cao là Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội TDTT tỉnh Tây Ninh lần thứ VII năm 2013-2014. Trong giai đoạn này, khắp các địa phương từ tỉnh đến xã, phường, các đơn vị đã tổ chức các hoạt động TDTT với nhiều nội dung phong phú, nhiều trò chơi dân gian truyền thống của địa phương như: Đánh đu, Cướp cờ, Cờ tướng, Nhảy Bao bố, Bóng chuyền, Bóng đá, Đua thuyền, Đẩy gậy, Bi sắt… Bên cạnh đó là Ngày chạy Olympic Chương trình xây dựng nông thôn thôn mới và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tiếp tục được thực hiện và ngày một quy mô, chất lượng. Trong đó, ngày chạy Olympic năm 2015 thu hút hơn 50 nghìn lượt người tham gia; hằng năm Cuộc vận động và ngày chạy Olympic được tỉnh duy trì tổ chức thường xuyên.
Chất lượng các giải thể thao ngày càng được nâng cao; một số môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển như: Chạy cù, Bưng đá, Vật tự do, Bắn cung, Bắn nỏ. Bên cạnh đó, số môn thể thao được quần chúng nhân dân tập luyện thường xuyên ngày càng tăng như Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Cầu lông, Cờ vua, Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyền, Thể dục, thể hình, Thể dục thẩm mỹ, Vovinam, Bi sắt, Đẩy gậy, Kéo co…
Một trong những điểm nhấn trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ chính giai đoạn này đó là sự chuyển biến trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân từ thanh thiếu niên, nhi đồng, đến người cao tuổi, học sinh, sinh viên và trong lực lượng vũ trang. Đây cũng chính là một trong những biệp pháp hữu hiệu để thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng cũng như thể thao thành tích cao của tỉnh ngày càng phát triển. Hiện nay số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt mức 29%, số gia đình thể thao đạt 22,22% tổng số hộ dân; Số trường thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%, tổng số trường có chương trình giáo dục thể chất ngoại khóa năm 2015 đạt trên 85%. Cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng quân đội tham gia tập luyện thường xuyên và đạt tiêu chuẩn theo ơquy định đạt 100%. Số “Chiến sĩ công an khỏe” đạt 98%.
Nhờ sự phát triển về TDTT quần chúng, Thể thao thành tích cao của Tây Ninh cũng từng bước được cải thiện. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Tây Ninh đã …với 598 VĐV tham dự các lớp tập huấn và thi đấu tại các giải thi đấu quốc tế, quốc gia, khu vực, đạt 259 huy chương các loại (48 HCV, 88 HCB, 123 HCĐ) trong đó có 18 huy chương các giải quốc tế (05 HCV, 04 HCB, 09 HCĐ). Số VĐV đạt đẳng cấp quốc gia đến nay đạt 52 VĐV, trong đó kiện tướng 15 VĐV, dự bị kiện tướng 02 VĐV và cấp I là 35 VĐV.
Bên cạnh những kết quả trên, TDTT Tây Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là Công tác tuyên truyền cho ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân chưa thật sự sâu rộng, một số địa phương thực hiện sơ sài, hình thức; Thành tích thể thao Tây Ninh có phần chững lại, một số môn thế mạnh không còn duy trì thành tích cao; Chưa làm tốt công tác phối hợp với ngành Giáo dục Đào tạo để thúc đẩy phong trào TDTT trong học đường.
Phát huy những thành tích đã đạt được, Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 33% số người tập luyện TDTT thường xuyên; hộ gia đình thể thao đạt trên 25%; Duy trì tốt 100% số trường THCS, THPT dạy TDTT nội khóa đạt chất lượng tốt và 90% số trường tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa có nề nếp; 100% chiến sỹ tham gia rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn quy định; 2682 CLB, Hội, điểm tập thể dục thể thao (hiện nay toàn tỉnh có 1992 CLB, hội, điểm tập luyện TDTT)...
Để hoàn thành các mục tiêu trên, giai đoạn 2016-2020, ngành đã đề ra một số nhóm giải pháp thiết thực như: tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước về TDTT các phương tiện thông tin đại chúng; Duy trì tổ chức ngày chạy Olympic và các hoạt động TDTT vì sức khỏe toàn dân song song với cuộc vận động: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020 trong toàn tỉnh; Đẩy công tác xã hội hóa, chính sách ưu đãi đối với các loại hình câu lạc bộ thể thao, các doanh nghiệp đầu tư về TDTT.
HP