You must configure this module first via "Module Settings"

Trà Vinh huy động nhiều nguồn lực tham gia vào công tác Xã hội hóa TDTT

Thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động TDTT, phong trào TDTT của tỉnh Trà Vinh đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trên nhiều mặt. Quy mô, chất lượng TDTT ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa, đã thu hút được mọi đối tượng trong tỉnh hưởng ứng tham gia. Nét nổi bật trong hoạt động TDTT quần chúng những năm qua là sự tăng nhanh về số lượng người tham gia trong tất cả đối tượng, lứa tuổi, nhiều hình thức tập luyện TDTT tự nguyện. Tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên tăng từ 24% (năm 2011) lên 28% năm 2015 (trung bình mỗi năm tăng trên 1,2%).

Sân bóng đá cỏ nhân tạo được xây dựng từ nguồn XHH phát triển mạnh ở Trà Vinh (Ảnh:P.Tấn )
Chủ trương xã hội hóa trong hoạt động TDTT bước đầu được coi trọng, nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT được các tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp xây dựng. Công tác vận động tài trợ cho các đội thể thao tập luyện và thi đấu ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) được nhân dân, các tổ chức, cá nhân ủng hộ và đóng góp tích cực. Ước tính mỗi năm thu hút được hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội dành cho hoạt động TDTT. Theo báo cáo của Sở VHTTDL, ngoài hệ thống cơ sở vật chất do kinh phí nhà nước đầu tư xây dựng như (SVĐ. Nhà thi đấu, Hồ bơi, các Trung tâm TDTT, hệ thống nhà văn hóa cấp huyện, cấp xã…), thì hiện nay các công trình thể thao do các tổ chức kinh tế - xã hội, tư nhân đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đang góp phần tích cực giải quyết những thiếu thốn về sân chơi, bãi tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân.

Một trong những mô hình xã hội hóa tiêu biểu hiện nay là các sân bóng đá mini cỏ nhân tạo ngày càng phát triển và đang nhân rộng đều khắp các huyện, thành phố Trà Vinh. Riêng sân bóng đá có 32 sân có dàn đèn, sân cỏ tự nhiên, 36 sân đất, 02 sân lớn 11x11 cỏ tự nhiên; 10 sân quần vợt; 30 Sân cầu lông có mái che, 69 sân cầu lông ngoài trời; 02 sân Bóng rổ; 15 phòng tập thể hình; 10 phòng tập thẩm mỹ Aerobic; 01 đường đua Mô tô 125cc-135cc; 69 sân tập võ ngoài trời. Ngoài ra còn có nhiều sân tập, bãi tập ngoài trời khác của người dân tự nguyện đầu tư tổ chức, nhưng tính chất không ổn định.

Ngành VHTTDL cũng đã ký kết liên tịch nhiều ngành cùng phối hợp đẩy mạnh các hoạt động TDTT. Hàng năm, tổ chức thi đấu nhiều giải từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, bao gồm các bộ môn như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, điền kinh… Đồng thời phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh tổ chức nhiều hội thao. Nhờ có sự phối hợp tích cực của các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, trung bình hàng năm Sở VHTTDL đã tổ chức gần 200 giải cấp xã, 100 giải cấp huyện, 30-40 giải cấp tỉnh và trên 20 giải do ngành phối hợp với các tổ chức khác. Chất lượng giải TDTT cũng được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, trong thời gian qua, Trà Vinh rất chú trọng đến việc khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống cũng như các trò chơi dân gian và nhận được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, như: Đua ghe ngo, Đẩy gậy, Kéo co, Đập nồi đất, Đi cầu tre, Thổi bong bóng, nhảy bao bố...

Trà Vinh đã hình thành được hệ thống thi đấu các môn thể thao dân tộc từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh và thành lập được các đội tuyển tham dự các giải thể thao các dân tộc thiểu số khu vực và toàn quốc mang về nhiều huy chương cho tỉnh. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa hoạt động TDTT của tỉnh chưa phát triển rộng khắp. Bước đầu chỉ mới triển khai thực hiện vùng đồng bằng, thị trấn, thành phố, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa, làm cho mọi người, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao. Kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xã hội hóa, đồng thời rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Tạo điều kiền cho các tầng lớp xã hội, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách, nhân dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao mức hưởng thụ, tập luyện TDTT.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng lộ trình chuyển các cơ sở TDTT công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển một số cơ sở TDTT công lập có đủ điều kiện sang loại hình TDTT ngoài công lập. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hình thành các cơ sở TDTT ngoài công lập và thành lập các tổ chức xã hội về TDTT. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư một số hạng mục công trình; khuyến khích xây dựng các CLB, các điểm TDTT ở các cơ quan, doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn đặc biệt là ở nông thôn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế thành lập các liên đoàn, CLB các bộ môn thể thao có thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp hóa; cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, từng bước chuyển công tác tổ chức thi đấu thể thao cho các liên đoàn thể thao, các tổ chức xã hội về TDTT, các đơn vị kinh tế có đủ năng lực; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để tổ chức các giải thể thao của tỉnh.

Hy vọng rằng, với những giải pháp thiết thực trên, công tác xã hội hóa TDTT của Trà Vinh sẽ tiếp tục thu được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển, hòa nhập với nền thể thao các tỉnh, thành trong khu vực và toàn quốc.

HP

Ảnh trong bài
  • Trà Vinh huy động nhiều nguồn lực tham gia vào công tác Xã hội hóa TDTT