You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Lai Châu hòa nhập với nền thể thao quốc gia

Phát triển TDTT được xác định là một bộ phận quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cũng như an ninh quốc phòng. Điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, bởi đối với một tỉnh biên giới miền núi như Lai Châu, thì các hoạt động TDTT không đơn thuần chỉ góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân mà còn góp phần quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Chính vì vậy, việc phát triển TDTT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng được đặt ngang với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong đó tập trung phát triển phong trào TDTT quần chúng, TDTT trong trường học…

Đẩy gậy là môn thể thao dân tộc được bảo tồn, phát triển ở Lai Châu (Ảnh: T. Hoàng)
Tập trung phát triển TDTT quần chúng

Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trong năm 2015, toàn ngành tập trung triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", lồng ghép với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tập luyện TDTT, từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức hàng ngàn giải thi đấu TDTT gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân dịp các ngày Lễ lớn của dân tộc, đất nước và của tỉnh. Nhờ đó, phong trào tập luyện TDTT đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ thành thị đến nông thôn.

Một trong những nét nổi bật trong phát triển phong trào TDTT năm qua là việc luyện tập TDTT thường xuyên đã trở thành tự giác của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Hàng ngày, sau giờ hành chính, tại các trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ, hình ảnh người dân tập luyện TDTT tại các địa điểm công cộng như vườn hoa, công viên, các cơ quan, nhà máy… đã trở nên quen thuộc. Các môn thể thao như Cầu lông, đi bộ, Thể dục thẩm mỹ… luôn thu hút các tầng lớp nhân dân từ thanh thiếu niên, phụ nữ, người cao tuổi, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang.

Các hoạt động này không chỉ góp phần thiết thực trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” mà còn là cơ sở để nâng cao thể chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Góp phần tạo thêm động lực để học tập, công tác và lao động sản xuất hiệu quả hơn.

Việc khai thác, giữ gìn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian cũng luôn được các địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm. Điều này thể hiện ở chỗ vào các dịp Lễ, Tết, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các vùng dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, các hoạt động thi đấu, giao lưu văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi với nhiều môn thể thao dân tộc truyền thống được tổ chức như: Đẩy gậy, Ném còn, Tù lu, Kéo co, Đi cà kheo, Ném pao, Bắn cung đá, Tó má lẹ… Các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa như Hội xòe chiêng, lễ hội Gầu Tào, Then Kin Pang…nên đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Chính những giải pháp phát triển TDTT phù hợp với thực tiễn đã góp phần đưa số người tập luyện TDTT thường xuyên của toàn tỉnh đạt 23,22% dân số ;13.000 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Bên cạnh đó, hệ thống CLB TDTT trên toàn tỉnh cũng không ngừng tăng với tổng số hiện nay là 261 Câu lạc bộ và điểm tập luyện TDTT cơ sở. Công tác TDTT trong trường học được quan tam sát sao, đến nay đã có gần 100% các trường học thực hiện đảm bảo chương trình dạy và học môn thể dục, trên 50% các trường có hoạt động ngoại khoá, phong trào tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng các cấp được duy trì tốt theo đúng quy chế.

Với những kết quả trên có thể khẳng định phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng ổn định và từng bước đi vào chiều sâu. Điều quan trọng hơn cả đó là thông qua các hoạt động thi đấu TDTT đã góp phần nâng cao khối đại đoàn kết dân tộc, rút ngắn khoảng cách vùng miền giữa dân tộc kinh và các dân tộc thiểu số an hem; đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe của người dân cũng như phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng của địa phương.

Hòa nhập vào nền thể thao quốc gia

Trong nhiều năm qua, Lai Châu vẫn được biết đến là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, trong bản đồ thể thao thành tích cao quốc gia, cái tên Lai Châu được biết đến một cách mờ nhạt. Bởi, trong khoảng hơn 10 năm (từ năm 2014 trở về trước), các đoàn VĐV Lai Châu giành được 43 HCV, 55 HCB, 115 HCĐ tại các giải thi đấu khu vực và toàn quốc, nhưng đến năm 2015, thể thao thành tích cao Lai Châu đã có bước chuyển mình đáng kể khi giành 51 huy chương các loại tại các giải khu vực, toàn quốc, trong đó, 8 HCV, 17 HCB, 26 HCĐ; đăng cai và tổ chức thành công Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ IX, khu vực I- các tỉnh phía Bắc; đồng thời xếp thứ 2 toàn đoàn tại Hội thi. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện hướng đi đúng đắn trong việc đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh của tỉnh.

Đặc biệt, năm 2016, Đề án Đào tạo năng khiếu thể dục thể thao và vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 chính thức được phê duyệt  sẽ là tiền đề quan trọng để Thể thao thành tích cao Lai Châu hòa nhập với nền thể thao quốc gia.

Đề án “Đào tạo năng khiếu thể dục thể thao và vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020” nhằm từng bước xây dựng hệ thống đào tạo năng khiếu thể dục thể thao và VĐV thể thao thành tích cao phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trên cơ sở các môn có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (Cầu lông, Điền kinh), kết hợp các môn thể thao dân tộc (Đẩy gậy, Bắn nỏ) với thể thao hiện đại. Tăng cường đầu tư, vật chất, kinh phí, xây dựng chế độ chính sách phù hợp. Phấn đấu nâng cao chất lượng thi đấu các môn thể thao. Hướng tới mục tiêu giành huy chương tại các giải thi đấu khu vực và toàn quốc, có huy chương tại các kỳ Đại hội, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, có VĐV đạt đẳng cấp quốc gia; từng bước nâng cao vị thế của thể thao của tỉnh trong quá trình hội nhập với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Để thể thao Lai Châu ngày càng phát triển, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng mà trọng tâm là cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị tập luyện TDTT (hiện toàn tỉnh có 4 SVĐ, 76 nhà tập luyện thể thao, 17 sân quần vợt, 8 sân bóng đá cỏ nhân tạo), dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn thiện và xây dựng mới các công trình TDTT trọng điểm theo hướng hiện đại như Trung tâm TDTT tỉnh, Sân vận động tỉnh, Trường năng khiếu TDTT tỉnh. Cùng với đó, các thiết chế về văn hoa, TDTT cũng được quan tâm đầu tư xây dựng tại cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi giải trí cho Nhân dân;...

VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Lai Châu hòa nhập với nền thể thao quốc gia