You must configure this module first via "Module Settings"

An Giang tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Khánh Hiệp - Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang về những nhiệm vụ, giải pháp của ngành VHTTDL trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2016 cũng như các năm tiếp theo. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân hiểu về ý nghĩa của việc tập luyện TDTT thường xuyên. Đồng thời, duy trì và đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng, nhất là hoạt động thể thao trong trường học; Đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT trong cán bộ, CNVC-LĐ. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo lực lượng huấn luyện viên, trọng tài có trình độ chuyên môn; nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo VĐV các lớp năng khiếu, VĐV các đội tuyển trẻ, tuyển tỉnh. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho thể thao, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển.

Đua bò - môn thể thao đậm nét văn hóa truyền thống và độc đáo của đồng bào Khmer (Ảnh: H.Thoại)
Trong những năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, ngành VHTTDL tỉnh An Giang đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa phong trào TDTT của địa phương ngày càng phát triển cả về chất và lượng, góp phần nâng cao vị thế của Thể thao An Giang trên bản đồ thể thao quốc gia.

Những kết quả đạt được

Theo báo cáo của ngành VHTTDL tỉnh An Giang, sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực và đặc thù công việc để tập luyện hàng ngày đã tạo nên phong trào TDTT rộng lớn trên mọi địa bàn dân cư và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ngoài các môn thể thao hiện đại như: Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Thể dục thể hình, Thể dục dưỡng sinh, Quần vợt... người dân trong tỉnh còn tập luyện các môn thao truyền thống, như: Kéo co, Đẩy gậy, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Cờ tướng, Đua bò…

Những năm trước, các phong trào tập luyện TDTT thường tập trung ở những vùng có điều kiện kinh tế phát triển như thành phố Long Xuyên và các thị trấn, thị xã...  nhưng đến nay cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng của TDTT dược nâng lên thì ở nông thôn cũng như thành thị, việc tập luyện TDTT đã trở thành thói quen và là nhu cầu không thể thiếu của đông đảo người dân. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, phong trào tập luyện, thi đấu TDTT đã và đang được tỉnh tích cực thực hiện gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới... 

Hàng năm, từ tỉnh đến cơ sở có hàng ngàn giải thi đấu thể thao được tổ chức và luôn thu hút đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân tham gia, tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân. Nhờ đó, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên liên tục tăng qua các năm. Năm 2012, số người tập luyện TDTT thường xuyên là 29,6% và đến nay là 33,27% (vượt kế hoạch 1,27%); số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao 27,6 và nay là 30,44% (vượt kế hoạch 0,44%). Số CLB thể thao thành lập mới trong năm là 126 CLB (tăng 7% so với 2014), nâng tổng số CLB trong toàn tỉnh lên 1.724 CLB TDTT một môn và nhiều môn. Bên cạnh đó, phong trào tập luyện TDTT rèn luyện thân thể trong học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang tiếp tục phát triển. 100% trường học trên địa bàn tỉnh đảm bảo chương trình giáo dục thể chất nền nếp, 80% trường học tổ chức tốt hoạt động TDTT ngoại khóa, tích cực tham gia “Hội khỏe Phù Đổng” các cấp. Đặc biệt, phong trào TDTT trong đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, thông qua việc tổ chức các hoạt động TDTT mang tính truyền thống của mỗi dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là dịp lễ hội, Tết dân tộc.

Cùng với sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của An Giang cũng đạt được những kết quả đáng biểu dương. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các đội thể thao đã thi đấu 98 giải thể thao khu vực, toàn quốc, quốc tế, đoạt 743 huy chương các loại (257 HCV – 231 HCB – 255 HCĐ). Trong đó, phải kể tới những gương mặt đã có những đóng góp không nhỏ cho thể thao An Giang nói riêng và TTVN như: Nguyễn Thị Thật (HCV giải Xe đạp đường trường tại SEA Gmames 27), Nguyễn Thị Quyền Trân (HCV hạng cân 60kg nữ), Hồ Minh Tâm (HCB hạng cân 60kg nam) giải Vovinam thế giới lần thứ IV năm 2015 tại Algeria, Đinh Kim Loan (01 HCV và nội dung Fitness), Trần Thị Cẩm Tú (01 HCV, 01 HCB) giải Vô địch thể hình Châu Á; Ở giải vô địch Thể hình và Fitness Thế giới Đinh Kim Loan cũng xuất sắc đoạt 01 HCV, Lâm Thái Dương và Nguyễn Trường Giang 01 HCĐ…

Không chỉ giành được những thành tích cao tại các sân chơi khu vực, quốc tế, trong năm 2015, đoàn thể thao An Giang còn xuất sắc giành 108 HCV, 87 HCB, 87 HCĐ tại Đại hội TDTT ĐBSCL lần VI. Đây là lần thứ 6 liên tiếp An Giang xếp nhất toàn đoàn. Điểm nổi bật trong thành tích của Thể thao thành tích cao của An Giang phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của môn Bóng đá. Cụ thể, đội bóng đá An Giang đã giành chức vô địch tại Đại hội ĐBSCL; Đội U21 An Giang giành hạng Nhì giải bóng đá U21 Báo Thanh niên năm 2015 – Cúp Clear Men tại TP.HCM, và tại giải bóng đá hạng Nhì quốc gia, đội Bóng đá An Giang đã giành vé thăng hạng năm 2016.

Không chỉ giành được những thành tích xuất sắc tại các giải thi đấu thể thao trong nước cũng như quốc tế, An Giang còn còn đăng cai tổ chức thành công 13 giải thể thao, hội thao cấp khu vực và toàn quốc gồm, trong đó phải kể đến Tour Xe đạp toàn quốc về nông thôn tranh cúp BVTV An Giang năm 2015; Giải Wushu CLB khu vực ĐBSCL mở rộng năm 2015, Giải xe đạp nữ toàn quốc mở rộng tranh cúp Truyền hình An Giang (ATV) lần thứ XVI năm 2015; Giải vô địch xe đạp địa hình toàn quốc và vô địch xe đạp địa hình trẻ toàn quốc năm 2015; Giải vô địch trẻ và vô địch toàn quốc môn Kickboxing năm 2015; Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XX năm 2015....Qua đây, giúp các nhà quản lý, chuyên môn có thêm nhiều kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực tổ chức, điều hành các giải thi đấu thể thao trong nước cũng như quốc tế.

Nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn

Để cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, các cấp ủy Đảng và chính quyền luôn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực phát triển TDTT thông qua việc sử dụng hiệu quả, triệt để hệ thống nhà tập, sân bãi, trang thiết bị dành cho hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT sẵn có; nâng cấp, mở rộng hệ thống thống cơ sở vật chất TDTT từ tỉnh đến cơ sở thông qua việc huy động các nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, người làm công tác thể thao không ngừng được củng cố về số lượng và chất lượng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, ngành VHTTDL đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 12 lớp tập huấn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực TDTT trong năm 2015 cho hơn 923 học viên trong và ngoài tỉnh tham dự; Cử 33 lượt cán bộ công chức, viên chức tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn cũng như các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ….

Hệ thống cơ sở vật chất cũng như yếu tố con người được đảm bảo, công tác thông tin tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức và hiểu biết về nội dung, phương pháp, lợi ích của TDTT, giới thiệu các điển hình tiêu biểu về VĐV, các đội thể thao, gia đình thể thao đến các tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện liên tục, thường xuyên

Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tổ chức các giải thể thao cho các đối tượng, lứa tuổi để thu hút ngày càng đông đảo quần chúng tham gia, đặc biệt cần quan tâm tổ chức các giải thể thao dành cho người khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ với mục đích chăm lo sức khỏe cộng đồng, giúp người khuyết tật và trẻ em cơ nhỡ có cuộc sống lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội; Phát triển phong trào TDTT trong đồng bào dân tộc Chăm, Khmer, Hoa;..

Củng cố và hoàn thiện hệ thống thi đấu các môn thể thao hàng năm từ cơ sở đến tỉnh theo hướng ổn định và ngày càng đa dạng hoá nội dung và hình thức tổ chức. Gắn kết hoạt động thể thao với lễ hội truyền thống của địa phương, với du lịch và nhất là hoạt động thể thao riêng có của vùng sông nước để thu hút đông đảo các đối tượng tham gia, làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân;

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền các cấp đối với công tác TDTT ở cấp xã, phường, thị trấn. Xây dựng các hình thức hoạt động TDTT quần chúng phù hợp với các đối tượng và điều kiện cụ thể ở cấp xã, phường, thị trấn. Đổi mới công tác quản lý Nhà nước cho phù hợp với xu thế xã hội hóa.

HP

Ảnh trong bài
  • An Giang tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"