|
Kỳ thủ Nguyễn Mai Hưng - niềm tự hào của Thể thao Bắc Giang(Ảnh: Thế Thiện) |
Phát triển TDTT quần chúng ở cơ sở
Dưới sự chỉ đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phong trào TDTT quần chúng ở Bắc Giang đã, đang ngày phát triển, thu hút mọi đối tượng như: Thanh, thiếu niên học sinh, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, phụ nữ, nông dân, người cao tuổi… tham gia tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe. Trước đây, các hoạt động TDTT chỉ tập trung ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển như thành phố Bắc Giang, những trung tâm huyện lỵ, nhưng những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, ở các vùng nông thôn thuộc các huyện như Yên Dũng, Yên Thế, Lục Nam… việc tập luyện TDTT hàng ngày đã trở thành thói quen không thể thiếu của đông đảo người dân. Các môn thể thao được đông đảo người dân yêu thích tập luyện như: Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền, Quần vợt, Bóng chuyền hơi…
Đặc biệt, với phương châm: “Hướng các hoạt động TDTT về cơ sở”, trong nhiều năm qua, ngành VHTT&DL Bắc Giang đã liên tục đưa các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh như: Vật, Võ, Đẩy gậy về tổ chức tại các địa phương cơ sở và gắn cùng các lễ hội truyền thống. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT ở cơ sở, đồng thời giúp các cán bộ TDTT cơ sở nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động TDTT.
Bên cạnh đó, hàng năm, các giải thể thao cấp tỉnh khác cũng đã được tổ chức với hệ thống giải đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo các VĐV của các huyện, thành phố trong tỉnh tham gia. Ngoài giải thể thao cấp tỉnh, các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn; ban, ngành, đoàn thể các cấp cũng thường xuyên chủ động tổ chức các giải thi đấu thể thao, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi.
Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Phong trào tập luyện, thi đấu TDTT đã lan tỏa trên khắp các thôn bản, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học trong tỉnh. Nhận thức về công tác TDTT của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, các huyện, TP, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các giải thể thao truyền thống. Người cao tuổi với phong trào “Sống vui, sống khoẻ, sống có ích”, lực lượng vũ trang có phong trào “chiến sĩ khoẻ”, thanh niên có phong trào "Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước”... Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng không ngừng được duy trì, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, tập TDTT dần trở thành thói quen hàng ngày của đông đảo tầng lớp nhân dân.
...tạo đà cho thể thao thành tích cao phát triển
Từ nền tảng phong trào TDTT quần chúng đã giúp ngành thể thao tỉnh phát hiện nhiều VĐV tài năng. Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn lực VĐV thể thao có trình độ có luôn được tỉnh quan tâm đầu tư. Chính vì vậy, Bắc Giang luôn khẳng định vị thế là một trong những đơn vị dẫn đầu các tỉnh miền núi về thành tích qua các kỳ Đại hội cũng như nhiều giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia cũng như quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các đội tuyển thể thao của tỉnh đã giành 140 huy chương các loại, vượt xa chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong đó, tập trung vào một số môn Olympic như: Cờ vua (giành 9HCV, 10HCB, 9HCĐ), có 12 lượt kỳ thủ được phong đẳng cấp kiện tướng, 7 kỳ thủ cấp I quốc gia. Trong đó có 1HCV Đông Nam Á đó là VĐV Nguyễn Thị Mai Hưng; Cầu lông (6HCV, 5HCB, 9HCĐ), Điền kinh (1HCV tiếp sức, 1 HCB giải vô địch quốc gia. VĐV kỳ cựu Phạm Tiến Sản giành HCB SEA Games 28 và vô địch cự ly chạy sở trường 3.000m vượt chướng ngại vật ở tất cả các giải trong nước); Cầu mây (1HCV, 1HCB); Đá cầu (3HCV, 1HCB giải vô địch thế giới; 17 tấm huy chương khác ở các giải vô địch, giải trẻ toàn quốc)…
Đầu tư, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu TDTT
Một trong những nguyên nhân để phong trào TDTT Bắc Giang ngày càng phát triển đó chính là sự chú trọng, đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện thiết chế thể thao từ cơ sở đến tỉnh. Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 67/2007/QĐ-UB ngày 30/07/2007 của UBND tỉnh V/v Phê duyệt đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho TDTTtỉnh Bắc Giang đến năm 2010 và định hướng đến 2015. Bởi vậy, dù là một tỉnh miền núi, nhưng Bắc Giang có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức thi đấu và tập luyện thể thao khá hoàn chỉnh. Ở cấp tỉnh có 1 SVĐ với sức chứa 10.000 người, 1 nhà thi đấu có sức chứa 1.000 người và 1 sân quần vợt. Hiện tỉnh cũng đã quy hoạch khu liên hợp thể thao 50,43ha tại xã Song Khê, dự kiến gồm: xây 1 sân vận động 30.000 chỗ, 1 nhà thi đấu đa năng 4.000 chỗ, 1 bể bơi 1.500 chỗ, hệ thống sân tập ngoài trời, nhà ở của VĐV…
Bên cạnh đó, tòa tỉnh có 599 sân bóng đá, 24 sân bóng rổ, 326 sân bóng chuyền, 41 sân quần vợt, 69 sân điền kinh các loại, 61 sới vật, 264 bàn bóng bàn, 7 bể bơi, 2.320 sân cầu lông, 178 nhà tập luyện cầu lông, và có khoảng 600 nhà văn hóa thôn bản có thể kết hợp tập luyện thể thao, 50% số xã có trung tâm Văn hoá, thể thao bao gồm nhà văn hoá, sân tập phổ thông để hoạt động, 100% Các phường xã, thị trấn có ít nhất một cơ sở vật chất, sân bãi để phục vụ tập luyện TDTT; gần 2000 CLB thể thao đơn môn, đa môn hoạt đông hiệu quả thường xuyên. Với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp thường xuyên đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT cho người dân.
Với những kết quả trên có thể khẳng định, TDTT Bắc Giang đã, đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, bắt nhịp với xu thế hội nhập và phát triển. Tuy vậy, để phong trào TDTT của địa phương có sự phát triển bền vững cả về chất và lượng, trong thời gian tới ngành thể thao tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân ý nghĩa của việc tập luyện TDTT thường xuyên. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động TDTT tại cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, dân tộc ít người, tạo điều kiện để đông đảo người dân được tham gia TDTT. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt hoạt động TDTT. Tích cực tập huấn lực lượng HLV, cộng tác viên, trọng tài ở cơ sở và thực hiện hiệu quả việc xã hội hóa, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển.
HP