|
Vĩnh Phúc tổ chức thành công Đại hội TDTT cơ sở và Đại hội TDTT tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V -2014 đã góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển (Ảnh: X. Hảo) |
Ông Trần Mạnh Định - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Nghị quyết phát triển thể dục thể thao quần chúng giai đoạn 2013 - 2020 là rất cần thiết, phù hợp, nhằm xác định mục tiêu phát triển thể dục thể thao quần chúng trong thời gian tới góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV.
Tăng cường đầu tư, hỗ trợ các thiết chế văn hóa, thể thao cho phát triển phong trào TDTT quần chúng
Là một trong các tỉnh đi tiên phong trong việc đầu tư, hỗ trợ các thiết chế văn hóa thể thao cho phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Cụ thể, hàng năm nguồn vốn hỗ trợ cho các công trình Văn hóa, TDTT ở cơ sở được giao về từ đầu năm cho UBND cấp huyện để chủ động thực hiện việc phân bổ chi tiết cho các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng khu thiết chế văn hóa thể thao cấp xã 1 tỷ đồng; hỗ trợ xây sân tập luyện thể dục thể thao đơn giản với mức 20 triệu đồng/thôn, tổ dân phố; hỗ trợ cho tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng với mức 10 triệu đồng/xã, 8 triệu đồng/phường, thị trấn; 5 triệu đồng/thôn; 4 triệu đồng/tổ dân phố … (năm 2013, tập trung ưu tiên hỗ trợ, ứng hỗ trợ xong đối với 20 xã chỉ đạo điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2014 – 2020, triển khai hỗ trợ 117 xã, phường, thị trấn và 1.154 thôn, tổ dân phố với tổng kinh phí là 140,08 tỷ đồng theo lộ trình).
Nhờ đó, đến nay, hệ thống cơ sở vật chất TDTT của Vĩnh Phúc đã từng bước được cải thiên, nâng cấp và khá hoàn chỉnh. Toàn tỉnh có 1 Nhà thi đấu đa năng, 7 huyện, thành, thị có sân vận động và nhà luyện tập, thi đấu TDTT; 50% số xã, phường, thị trấn có sân vận động; 40% số xã, phường, thị trấn có nhà tập luyện thể dục, thể thao. Đây chính là bước tạo đà để phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng phát triển.
Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 32%
Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, trong những năm qua, ngành TDTT Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về vai trò tác dụng của thể dục thể thao đối với sức khỏe con người trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ cấp tỉnh đến xã phường. Hàng ngày, vào các buổi sáng, chiều, trên hệ thống loa phát thanh của ở cơ sở, những câu chuyện, những gương điển hình về phong trào TDTT được phát đi liên tục, thường xuyên đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng của các địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa – tinh thần của người dân.
Cùng với đó, công tác phát triển thể dục, thể thao quần chúng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020 đặt ra nhiệm vụ phải đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung. Theo đó, cùng với hệ thống thiết chế thể dục thể thao công lập, ở khắc các địa phương, nhất là những nơi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển như thành phố Vĩnh Yên, các thị trấn: Xuân Hòa, Phúc Yên và một số huyện có phong trào TDTT mạnh như Mê Linh, Tam Đảo, Bình Xuyên, Yên Lạc... đều hình thành các trung tâm dịch vụ TDTT (của cả tư nhân và nhà nước) cùng đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT của người dân.
Ngoài việc hoàn thiện về hệ thống cơ sở vật chất, Vĩnh Phúc không ngừng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và tào điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho thể dục, thể thao quần chúng; phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao quần chúng tương xứng vị trí, tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ước tính, hàng năm số tiền thu được từ công tác xã hội hóa để tổ chức các giải thi đấu TDTT lên tới hàng tỷ đồng.
Hàng năm, Vĩnh Phúc cũng duy trì tổ chức các giải thể thao thường xuyên như: Giải thể thao “Mừng Đảng - Mừng xuân”, “Giải Bóng đá, Quần vợt” trong Tuần Văn hóa - Du lịch Vĩnh Phúc, giải thể thao truyền thống Đảng ủy khối doanh nghiệp, giải Bóng đá thanh niên công nhân; chỉ đạo tổ chức Đại hội thể dục thể thao điểm cấp xã tại đơn vị Tân Lập - Sông Lô, thị trấn Tứ Trưng - huyện Vĩnh Tường,...
Điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng đó là việc triển khai và thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đây là cuộc vận động lớn, đã được tổ chức quy mô và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
Nhờ đó, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh hiện đạt mức 32% số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; 25% số gia đình tham gia tập luyện thể thao; 65% số trường phổ thông có hoạt động TDTT ngoại khóa đạt chất lượng. Và đến năm 2020, Vĩnh Phúc phấn đấu sẽ có 50% số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; 40% số gia đình tham gia tập luyện thể thao; 90% số trường phổ thông có hoạt động TDTT ngoại khóa đạt chất lượng; 9 huyện, thành, thị có sân vận động và nhà tập luyện, thi đấu TDTT; 100% số xã, phường, thị trấn có sân vận động; 100% số xã, phường, thị trấn có nhà tập luyện thể dục, thể thao.
Thể thao thành tích cao phấn đấu nằm trong nhóm 10- 20 toàn quốc
Cùng với đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, Vĩnh Phúc cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển Thể thao thành tích cao. Hàng năm, Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh duy trì thường xuyên 13 đội thể thao với khoảng trên 200 VĐV. Trong năm 2014 các đội, các VĐV hể thao của trung tâm đã tham gia thi đấu 48 giải thể thao khu vực, quốc gia, quốc tế và đạt 186 Huy chương các loại, trong đó, có 43 HCV, 55 HCV, 88 HCĐ.
Một trong những thành tích đáng biểu dương là tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII , thể thao thành tích cao Vĩnh Phúc đã đạt 38 huy chương các loại và xếp thứ 17/65 tỉnh, thành cả nước. Kết quả này được xem là bước đột phá về thành tích của thể thao Vĩnh Phúc so với những kỳ đại hội trước. Các môn giành nhiều huy chương vàng và xếp thứ hạng cao là: đua thuyền đoạt 6 huy chương vàng, xếp thứ 2/22 tỉnh, thành, ngành; Pencak Silat 2 huy chương vàng, xếp vị trí thứ 3/28 tỉnh, thành, ngành tham gia bộ môn tại Đại hội.
Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 28 (SEA Games 28) tổ chức tại Singapore, thể thao thành tích cao Vĩnh Phúc đóng góp cho Đoàn thể thao Việt Nam 8 VĐV tham gia tranh tài ở 5 bộ môn: Bắn súng, Điền kinh, Wushu, Pencak Silat và Đua thuyền. Các VĐV Vĩnh Phúc đã mang về 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Trong đó, ấn tượng nhất là tấm HCV ở môn Đua thuyền của VĐV Trương Thị Phương. Đây cũng chính là tấm HCV duy nhất của Đua thuyền Việt Nam ở kỳ SEA Games lần này. Chính Trương Thị Phương cũng là VĐV đã giành 5 HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII cho đoàn Thể thao Vĩnh Phúc. Đây cũng chính là những môn thể thao mũi nhọn, thế mạnh của Vĩnh Phúc. Các môn thể thao này sẽ tiếp tục được đầu tư đặc biệt nhằm hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao vị thế của thể thao Vĩnh Phúc trên bình diện quốc gia và ngày càng có nhiều VĐV Vĩnh Phúc được lựa chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự các sân chơi quốc tế.
Trong giai đoạn 2012-2015, thể thao thành tích cao Vĩnh Phúc tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã hoàn thành mục tiêu đạt từ 220 -300 huy chương các loại/năm như Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND về phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020 của HĐND tỉnh đã đặt ra. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, và sự đồng thuận của nhân dân, sự nghiệp TDTT của Vĩnh Phúc sẽ ngày càng phát triển, các chỉ tiêu về TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao sẽ được hoàn thành và vượt so với kế hoạch đề ra.
K.Dung