You must configure this module first via "Module Settings"

Đà Lạt: điểm sáng trong công tác xã hội hoá thể thao

Theo thống kê, hiện Đà Lạt là một trong những thành phố có hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi đảm bảo phục vụ tốt các hoạt động TDTT. Nhờ đó, trong những năm gần đây, phong trào TDTT quần chúng ở Đà Lạt phát triển mạnh, sâu rộng, hiện có khoảng 24% dân cư tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, có 15% số gia đình trong toàn tỉnh đạt chuẩn “Gia đình thể thao”.

Công tác giáo dục thể chất học đường cũng được chú trọng, số lượng học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể ngày càng tăng; phong trào TDTT trong khối cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang được các cấp duy trì với nhiều hội thao được tổ chức hàng năm, góp phần tích cực thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển.

Kết quả trên có được là nhờ sự chung tay góp sức của rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố trong công tác xã hội hoá các hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ các hoạt động TDTT. Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt, thành phố hiện có đến 41 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo với 19 CLB bóng đá đang hoạt động rất mạnh. Tính trung bình mỗi sân bóng đá như vậy đầu tư cũng khoảng 500 triệu đồng, tổng cộng các chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 20 tỷ đồng để làm các sân cỏ nhân tạo này.

Sau bóng đá là bộ môn quần vợt rất phát triển với 31 sân, 24 CLB quần vợt, hầu hết sân là do các cơ quan, đơn vị tự bỏ tiền ra xây nhưng cũng có sân tư nhân đầu tư như sân Ngọc Oanh. Từ khi bươc vào hoạt động đến nay, sân Ngọc Oanh đã đóng góp nhiều cho các giải thành phố Đà Lạt và giải cấp tỉnh. Cùng với cụm 2 sân quần vợt của Công an tỉnh gần đó, sân Ngọc Oanh làm thành một cụm 3 sân.

Một bộ môn khác cũng rất phát triển là cầu lông với 20 sân, 5 CLB đang hoạt động rất hiệu quả, luôn là nòng cốt trong các giải cấp thành phố và cấp tỉnh. Hay như môn bóng bàn của Đà Lạt cũng rất mạnh với 7 CLB, gần 40 bàn, hầu hết là của tư nhân bỏ tiền ra đầu tư. Ngoài ra ở Đà Lạt còn có 20 CLB dưỡng sinh thu hút hàng nghìn lượt người tập luyện mỗi ngày; có 10 điểm tập thể dục thẩm mỹ; 1 hồ bơi; 10 điểm là CLB tập thể hình, mỗi điểm như vậy tư nhân đầu tư vài trăm triệu đồng để mua dụng cụ tập luyện.

Thành phố có 22 CLB võ thuật với sự hiện diện hầu hết các môn võ như quyền Anh, Taekwondo, Karatedo, Judo, Aikido, Võ cổ truyền… Trong các môn giải trí có 6 CLB khiêu vũ, 65 CLB Billards với gần 400 bàn. Tổng cộng đến nay thành phố có 7 nhà thi đấu đa năng phần lớn do các trường học đầu tư như Đại học Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm, THPT Bùi Thị Xuân, Dân tộc nội trú tỉnh…

Bên cạnh việc đầu tư các hệ thống cơ sở vật chất, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt còn tổ chức nhiều giải thể thao, góp phần không nhỏ cho sự thành công của thể thao tỉnh Lâm Đồng. Hàng năm, Thể thao Đà Lạt tổ chức hàng trăm giải thể thao phong trào thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham dự. Điển hình như giải Bóng đá vô địch toàn thành 11 người trên sân lớn, Giải Cờ tướng toàn thành, Giải Bóng bàn vô địch Đà Lạt; Giải Bóng đá hè 3 lứa tuổi cho học sinh phổ thông, Giải Bóng đá mini sân nhỏ cho các CLB sân cỏ nhân tạo trong thành phố; Giải Thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi, Giải Billards toàn thành.

Cùng với đó, không ít Hội thao do khối đoàn thể, các đơn vị trên địa bàn tổ chức như: Giải đua Xe đạp nước trên hồ Xuân Hương; giải Bóng đá mini, Giải Bóng bàn - Cầu lông công nhân viên chức, lao động toàn thành hay như Giải Việt dã phong trào “Chạy vì sức khỏe cộng đồng” do Ngân hàng Sacombank tổ chức hằng năm đã thu hút đông đảo VĐV tranh tài, đa số là học sinh của các trường phổ thông trên địa bàn.

Có thể nói, hệ thống các CLB và sân bãi tập có được từ nguồn xã hội hóa TDTT như trên đã góp phần tạo nên phong trào TDTT sôi nổi, rộng khắp trên toàn thành phố. Chính vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Đà Lạt sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa TDTT, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục tham gia xây dựng các công trình TDTT, hay đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của người dân.

KC

Ảnh trong bài
  • Đà Lạt: điểm sáng trong công tác xã hội hoá thể thao