You must configure this module first via "Module Settings"

Quảng Trị sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Trong 3 năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực và thực hiện nghiêm túc. Phong trào tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) lan tỏa rộng khắp đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp TDTT của tỉnh nhà phát triển mạnh.

Bóng chuyền là môn thể thao được đông đảo người dân lựa chọn tập luyện thường xuyên (Ảnh: T.T)
Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện đã trở thành nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư. Số môn thể thao được quần chúng nhân dân tập luyện và thi đấu thường xuyên như: Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua, Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyền, Đá cầu, Bơi lội, Cờ tướng, Thể dục thể hình, Thể dục Thẩm mỹ, Quần vợt, Bi da, Vovinam, Bi sắt, Đẩy gậy, Đi bộ thể dục...

Đặc biệt các môn thể thao dân tộc cũng được khôi phục và phát triển như: Chạy cù, Bưng đá, Vật tự do, Nhảy bao bố, Bắn cung, Bắn nỏ...Phong trào TDTT cơ sở xã, phường, thôn, bản, gắn với xây dựng làng, xã văn hoá, tạo bước chuyển biến mới trong phong trào TDTT cấp phường, xã. Đặc biệt, phong trào TDTT trong các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, thanh thiếu niên học sinh, lực lượng vũ trang của tỉnh thời gian qua phát triển bền vững.

Hằng năm, Sở VHTTDL Quảng Trị cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch ký kết liên tịch, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh như: Giáo dục và Đào tạo, Quân đội, Công an, Thanh niên, Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Biên phòng, Y tế, Nông dân... để phát triển phong trào TDTT theo từng đối tượng. Với những biện pháp tích cực, đồng bộ, công tác TDTT quần chúng của Quảng Trị đã có những bước chuyển biến đáng kể về cả chất và lượng.

Tính đến nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2013 chỉ có 27% dân số trên toàn tỉnh tập luyện TDTT thường xuyên thì đến năm 2014 là 28% và đến nay là 28,8% dân số. Số gia đình luyện tập TDTT năm 2013 chỉ có 17 % đến năm 2015 đạt 19,3% tăng 2,3%; số câu lạc bộ và điểm tập TDTT có 750 CLB, tăng 71 CLB so với năm 2012; số người tập luyện TDTT thường xuyên trong CNVC đạt 84,5%; số người tập luyện TDTT theo quy định bắt buộc trong LLVT đạt 99,9%. Cơ sở vật chất, khu vui chơi giải trí phục vụ hoạt động TDTT được nâng cấp và xây mới tăng nhanh. Toàn tỉnh có 11 sân vận động, 198 sân điền kinh, 282 sân Bóng đá, 423 sân bóng chuyền, 30 sân Quần vợt, 26 nhà tập thể thao...đặc biệt Nhà thi đấu đa năng thuộc Khu liên hợp thể thao tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác tốt.

Trung bình, mỗi năm Sở VHTTDL Quảng Trị đã tổ chức từ 8 đến 10 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh; 10 đến 12 giải phối hợp thi đấu liên ngành; 80 đến 90 giải cấp huyện, thị, thành phố và trên 500 giải cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Nhờ đó, phong trào luyện tập TDTT phát triển rộng khắp, trở thành ý thức tự giác của đông đảo tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân tham gia luyện tập và thi đấu thể thao, các địa phương còn phát động phong trào xây dựng gia đình thể thao và tiến hành bình xét qua hàng năm.

Công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT được các tổ chức, cá nhân quan tâm tài trợ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để hoạt động như: Tổ chức giải Thuyền rồng truyền thống “Lễ hội Thống nhất non sông”; giải Việt dã tỉnh Quảng Trị “Cùng Sacombank chạy vì sức khoẻ cộng đồng”; giải Bóng đá U11 cúp Truyền hình Quảng Trị; giải Bóng đá Báo Quảng Trị - Cup “Xi măng Trường sơn”...

Công tác xã hội hoá TDTT đã góp thêm nguồn lực để phát triển sự nghiệp TDTT, tạo cho phong trào TDTT tỉnh nhà có những bước phát triển mới. Một số đơn vị, ban ngành, doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở vật chất như: Sân Bóng đá cỏ nhân tạo, sân Quần vợt, Bể bơi, Nhà tập luyện TDTT... để phục vụ việc luyện tập cho cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân. Đặc biệt Quảng Trị còn tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT thông qua những cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình TDTT, trong đó nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo lên đến 37 sân (sân thi đấu 5 người), 25 sân quần vợt, 4 bể bơi…

Điểm nhấn trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ở tỉnh Quảng Trị trong 3 năm qua chính là tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp năm 2013-2014. Đại hội lần này không chỉ thu hút số vận động viên đông hơn, số môn thi đấu nhiều hơn các kỳ Đại hội trước mà chất lượng chuyên môn đã được nâng lên một bước, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào, thực sự là ngày hội thể thao của toàn dân.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc, Quảng Trị đặc biệt chú trọng phát triển thể thao thành tích cao theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Chính vì vậy, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị đã xác định 9 môn thể thao thế mạnh để đầu tư, trong đó chú trọng vào các môn Olympic như: Điền kinh, Cầu lông, Bơi lội, Karatedo, Lặn, Rowning, Canoeing, Cử tạ...

Đây cũng chính là những môn thể thao đã mang về cho Quảng Trị những tấm huy chương quý giá tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, trong đó gần nhất là tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, các VĐV Quảng Trị đã giành 17 huy chương (03HCV, 07HCB, 07HCĐ) xếp thứ 36/65 tỉnh, thành, ngành tham dự Đại hội. Trung bình hàng năm, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh duy trì đào tạo từ 90 đến 110 VĐV ăn, ở tập trung, tham gia từ 25 - 35 giải thi đấu toàn quốc, khu vực và quốc tế, giành từ 90 - 115 huy chương các loại; nhiều VĐV giành huy chương vàng được phong cấp kiện tướng. Thể thao Người khuyết tật của Quảng Trị vẫn duy trì giữ vững vị trí thứ 3 tại các Giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc được tổ chức hàng năm.

Bên cạnh những thành tích đạt được nói trên, thể thao Quảng Trị vẫn còn đó những khó khăn thách thức như: Kinh phí để đảm bảo cho hoạt động TDTT chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Cơ sở vật chất về cơ bản vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao ngày càng cao của quần chúng nhân dân. Công tác xã hội hóa TDTT chưa được sự quan tâm của một số cấp lãnh đạo địa phương, ngành, đơn vị nhằm để kích thích, động viên, kêu gọi các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho các hoạt động TDTT. Sự phối hợp của các địa phương, ngành, đơn vị còn thiếu đồng bộ nên Cuộc vận động“Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” chưa thực sự phát triển sâu rộng trong nhân dân.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các địa phương, sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là sự đoàn kết, đồng thuận của quần chúng nhân dân, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong 3 năm qua đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh. Phát huy những thành tích đã đạt được, việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2016 - 2020 được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị. Hy vọng rằng, cuộc vận động sẽ tiếp tục lan toả rộng khắp và đạt kết quả cao trong những năm tiếp theo.

T.Tuấn

Ảnh trong bài
  • Quảng Trị sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại