|
Ném còn - môn thể thao dân tộc được gìn giữ và phát triển ở Hòa Bình (Ảnh: Thế Thiện) |
Để phong trào TDTT trở thành phong trào rộng khắp và mang tính tự giác, ngành VHTTDL tỉnh đã từng bước đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng, nhà nước về lĩnh vực TDTT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, qua đó tạo điều kiện để người dân từ thành thị đến nông thôn và đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa được thường xuyên tham gia các hoạt động TDTT.
Hàng năm, từ tỉnh đến cơ sở tổ chức hàng trăm giải thi đấu TDTT quần chúng, thu hút đông đảo đối tượng nhân dân tham gia. Các hoạt động TDTT ở cơ sở được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa trong những dịp lễ, hội đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của thể dục thể thao.
Đặc biệt, để các hoạt động TDTT thực sự trở thành thói quen và nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là những người làm công tác TDTT đã chủ động, tích cực đổi mới về nội dung cũng như hình thức tổ chức các giải thi đấu TDTT theo hướng ưu tiên phát triển các môn thể thao dân tộc, truyền thống phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Bởi vậy, trong các hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức tại các Lễ, Hội không thể thiếu những môn thể thao mang đậm tính dân tộc như: Kéo co, Đẩy gậy,.. Đây cũng chính là các môn thể thao thế mạnh của thể thao tỉnh Hoà Bình và nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức từ các cấp, các ngành...
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được phát triển đa dạng các loại hình hoạt động, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu. Nhiều câu lạc bộ được thành lập, hoạt động hiệu quả. Cơ sở hạ tầng thể thao được tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT. Loại hình CLB phát triển nhất phải kể đến các huyện: Lương Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, thành phố Hòa Bình. Song song với đó, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển. Hầu hết các khu dân cư trong tỉnh đều quy hoạch được quỹ đất dành cho hoạt động TDTT, người dân trong khu dân cư tự nguyện đóng góp nguồn quỹ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Đặc biệt, nhiều khu dân cư, câu lạc bộ TDTT huy động được nguồn tài trợ của cá nhân, doanh nghiệp xây dựng sân bãi tập luyện, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị, đơn cử như CLB bóng bàn 30/4 xã Toàn Sơn (Đà Bắc); CLB quần vợt huyện Lương Sơn, CLB cầu lông thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn)...
Chỉ trong năm 5 (từ 2011-2015), tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thường xuyên của tỉnh đã tăng từ 25% lên 28%; số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn hộ gia đình thể thao tăng từ 17% lên 22% và số CLB thể thao cũng tăng từ 505 lên 630 CLB.
Cùng với sự phát triển của thể thao phong trào, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng từng bước được nâng cao, nhiều vận động viên tham gia thi đấu đoạt huy chương tại các giải khu vực và toàn quốc và được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia. Từ năm 2013 – 2015 tuyển chọn 466 lượt vận động viên, tham dự 46 giải khu vực và toàn quốc, đạt 176 huy chương các loại. Đặc biệt, tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần đây, Hòa Bình đã vinh dự trở thành một trong những địa phương đăng cai một số môn trong chương trình Đại hội.
Ở kỳ Đại hội này, tỉnh Hòa Bình tham gia thi đấu 9 môn: Xe đạp, Vật, Vovinam, Võ cổ truyền, Karatedo, Boxing, Cử tạ, Điền kinh và môn Golf, giành 3 HCV, 1 HCB và 4 HCĐ, xếp vị trí thứ 40/65 đoàn tham dự và đứng vị trí thứ 4/19 đoàn các tỉnh miền núi. Kết quả này vượt so với chỉ tiêu đặt ra trước Đại hội. Đây cũng là bước tiến đáng kể của Thể thao Hòa Bình trên bản đồ thể thao quốc gia. Ngoài ra trong năm 2014, đoàn thể thao Hòa Bình cũng giành được 9 HCV, 14 HCB và 16 HCĐ khi tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc. Tiêu biểu như hội thi bơi trung - cao tuổi toàn quốc có 8 VĐV tham gia đạt được 7 HCV, 6 HCB và 3 HCĐ; tại giải vô địch đẩy gậy toàn quốc ở tỉnh Bắc Giang đoàn có 8 VĐV tham gia và đã đạt được 1 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực TDTT vẫn còn một số hạn chế như: phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng đều; thể thao thành tích cao chưa phát triển xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa có tính bền vững lâu dài, chưa có chính sách đãi ngộ đặc biệt tài năng thể thao; các thiết chế về thể thao còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân; cấp uỷ Đảng, chính quyền một số địa phương cơ sở chưa xác định đúng vai trò của TDTT ở địa phương nên thiếu quan tâm, chỉ đạo dẫn đến hiệu quả một số hoạt động chưa cao.
Ông Đinh Danh Hạnh– Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình cho biết, trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thể dục thể thao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác TDTT đến các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân. Tổ chức các hình thức tập luyện TDTT phong phú, nhằm tạo ra phong trào tập luyện và thi đấu TDTT quần chúng sôi nổi, rộng khắp ở các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Củng cố và phát triển hệ thống thiết chế về TDTT quần chúng. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động TDTT, tăng cường thu hút các nguồn lực của xã hội, vận động mọi tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức, tinh thần, vật chất tham gia tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng và xây dựng các công trình thể dục thể thao ở cơ sở.
VD