You must configure this module first via "Module Settings"

An Giang đặt chỉ tiêu đạt 35% số người tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2020

Đặt chỉ tiêu đạt 35% số người tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2020, trong những năm qua An Giang đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực để đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai chiến lược phát triển TDTT (2010-2015), phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong mọi tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên liên tục tăng qua các năm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 690.200 người tập luyện thể thao thường xuyên (đạt 32% vượt chỉ tiêu đề ra 2%); 163.140 gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao (đạt 30,2% - vượt chỉ tiêu đề ra 0,2%).

Các môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên là: Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Bóng bàn, Cầu lông, Thể dục thể hình, Thể dục thẩm mỹ, Quần vợt... Song song với việc phát triển các bộ môn thể thao hiện đại, các môn thể thao truyền thống của dân tộc như: Kéo co, Đẩy gậy, Cờ tướng, Đua thuyền… cũng được các cấp chính quyền, ngành đặc biệt quan tâm phát triển.

Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT đã phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc phát triển sự nghiệp TDTT. Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng tích cực chung tay xây dựng, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ việc rèn luyện, vui chơi của người dân. Điều kiện sân bãi được nâng lên đáng kể; nhiều công trình mới, hiện đại được hoàn thành, góp phần phục vụ tốt nhu cầu tập luyện TDTT cho mọi đối tượng người dân. Năm 2014, toàn tỉnh tổ chức trên 250 giải thể thao (4 giải toàn quốc), thu hút trên 65.000 lượt vận động viên trong và ngoài tỉnh tham dự. Điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng năm 2014 là việc tổ chức thành công Đại hội TDTT 3 cấp. Đại hội không chỉ thu hút số lượng vận động viên đông hơn mà chất lượng chuyên môn cũng được nâng lên hơn trước rất nhiều. Qua đó, khơi dậy tiềm năng TDTT trong quần chúng nhân dân, vận động mọi người thường xuyên tập luyện TDTT để tăng cường sức khỏe phục vụ lao động, học tập, công tác, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thể thao học đường cũng có nhiều bước tiến quan trọng, số trường học thực hiện tập luyện TDTT ngoại khóa đã đạt đến 90% trong năm 2015. Các chương trình giáo dục thể chất trong trường học các cấp được thực hiện tốt nhằm góp phần nâng cao thể lực, trí lực của học sinh - sinh viên, chuẩn bị thế hệ tương lai cho An Giang thực hiện thắng lợi công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hàng năm, An Giang tiến hành tổ chức tốt Hội khỏe Phù đổng (HKPĐ) từ cấp trường đến vòng chung kết tỉnh. Tham gia HKPĐ cấp khu vực và toàn quốc lần thứ VII - 2008, lần thứ VIII - 2012 với số môn nhiều hơn và thành tích ngày càng cao hơn.

Những thành công của TDTT quần chúng cũng đã góp phần nâng cao thành tích cao của các VĐV tỉnh An Giang trên đấu trường thể thao thành tích cao. Từ những giải thi đấu TDTT phong trào, ngành TDTT tỉnh An Giang cũng đã phát hiện nhiều VĐV trẻ tài năng để đào tạo trở thành những VĐV hàng đầu trong làng thể thao Việt Nam, mang lại thành tích cao cho thể thao An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Điển hình như tay đua Nguyễn Thị Thật (môn Xe đạp), chị em Nguyễn Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Tuyết Mai (môn Võ cổ truyền) hay VĐV Trần Thị Cẩm Tú, Đinh Kim Loan (môn Thể hình),… Thành tích của thể thao thành tích cao An Giang luôn đứng đầu tại các kỳ Đại hội TDTT ĐBSCL và nằm trong “Top 10” Đại hội TDTT toàn quốc. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VII-2014, đoàn thể thao An Giang đã thi đấu xuất sắc xếp vị trí thứ sáu toàn đoàn.

Với những thành công trong gian đoạn 5 năm (2010-2015), Thể thao An Giang đã đặt những mốc chỉ tiêu mới, phấn đấu từ nay đến năm 2020 tăng trưởng nhanh số người tập luyện TDTT thường xuyên trong mọi đối tượng, địa bàn nhất là trong công nhân viên chức lao động và vùng nông thôn. Đồng thời, xây dựng và phát triển gia đình thể thao, câu lạc bộ TDTT, nâng cao sức khỏe và đời sống văn hoá của người dân, góp phần ổn định xã hội. Cụ thể đến năm 2020, số người tập luyện TDTT thường xuyên sẽ đạt 35%; số gia đình thể thao đạt 35%; số trường học thực hiện tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 100%; số chiến sĩ quân đội và công an đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt tỷ lệ 80%; số CNVC–LĐ tập luyện TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ 80% và số người cao tuổi tập luyện TDTT đạt tỷ lệ 80%.

Để thực hiện thành công những chỉ tiêu trên, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Âu Xuân Đôn, thời gian tới, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân hiểu về ý nghĩa của việc tập luyện TDTT thường xuyên. Đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT trong cán bộ, CNVC-LĐ. Vận động mọi người tự chọn một môn thể thao phù hợp để tập luyện nâng cao sức khỏe, phục vụ lao động và công tác. Đồng thời tập trung phát triển cơ sở vật chất trong các cơ quan, doanh nghiệp đảm bảo nhu cầu tập luyện của CNVC - LĐ.

Bên cạnh đó sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào tập luyện TDTT trong phụ nữ với phương châm "mỗi phụ nữ chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập hàng ngày". Đề cao vai trò tích cực của phụ nữ trong việc động viên các thành viên trong gia đình tập TDTT thường xuyên, góp phần xây dựng và phát triển gia đình thể thao và gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào tập luyện TDTT vùng nông thôn hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Xây dựng và phát triển phong trào TDTT ở các cụm tuyến dân cư vượt lũ, khu dân cư mới, ấp văn hoá. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các giải bóng đá, bóng chuyền, việt dã nông dân; mở rộng hình thức và nội dung tổ chức các giải thi đấu thể thao phù hợp với đối tượng để thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia, nhất là ở cơ sở, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới.

KC

Ảnh trong bài
  • An Giang đặt chỉ tiêu đạt 35% số người tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2020