You must configure this module first via "Module Settings"

Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam được hun đúc trở thành nét đẹp trong phẩm chất con người Việt Nam ở mọi thời đại. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong đó có việc giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống của dân tộc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người khai sinh ra nền thể thao cách mạng coi trọng và đề cao.               

Chủ tịch Hồ Chí Minh- tấm gương sáng về rèn luyện các môn thể thao dân tộc, truyền thống

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “Dân cường thì quốc thịnh”; “Chỉ có một cơ thể khỏe mạnh mới có một trí tuệ minh mẫn”, do đó dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, Người cũng luôn ý thức việc rèn luyện sức khỏe, đảm bảo thể lực và trí lực sáng suốt, tính kiên trì, bền bỉ, dẻo dai để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Là một người con đất Việt, chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần thượng Võ. Người không chỉ yêu thích và hăng say tập luyện các môn thể thao truyền thống như Cờ tướng, Leo núi, Võ cổ truyền, Chơi đu, Đua thuyền, Kéo co, Bơi..

Trong các môn thể thao truyền thống, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt thích tập môn Thái Cực quyền – một loại hình văn hóa thể chất mang đậm chất phương Đông “Lấy nhu thắng cương:: làm cho người ta có sức chịu đựng dẻo dai, mềm mại nên khó gãy.

Nói về các môn Võ cổ truyền thống của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “ võ dân tộc của ta rất giầu tính chiến đấu”. Điều đó cũng nói lên rằng, môn võ dân tộc nói riêng và các môn thể thao truyền thống nói chung của dân tộc ta rất giầu tính sáng tạo, biến hóa giữa công và thủ, lấy tĩnh chế động, thiên biến vạn hóa, dĩ bất biến, ứng vạn biến. Đó cũng là yếu tố căn bản để chiến thắng kẻ thù hùng mạnh, đông đảo.

Theo ông Hoàng Hữu Kháng - chiến sỹ cảnh vệ của Bác kể lại, "Ngay trong những ngày đấu sau Cách mạng, Bác đã tập võ mỗi ngày hai lần. Ban đầu mới tập, các cơ bị đau như dần nhưng tập quyền giúp Bác ngủ ngon và đỡ đau khớp gối. Bác thích tập quyền, nên dù làm việc ở đâu, tại Bắc Bộ phủ hay những nơi bí mật khác ở Hà Nội, ngày nào bác cũng tập luyện hai lần một ngày"...

Bảo tồn, giữ gìn và phát triển các môn thể thao dân tộc, truyền thống là nhiệm vụ quan trọng để phát triển TDTT quần chúng

Vovinam Việt Võ đạo là môn thể thao dân tộc được phát triển mạnh mẽ trong và ngoài nước (Ảnh: N.Minh)
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành TDTT Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, từng bước vươn lên khẳng định vị thế của mình tại đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các môn thể thao hiện đại, các môn Olympic, các môn thể thao dân tộc, truyền thống cũng luôn được bảo tồn, giữ gìn và phát triển.

Ngoài ý nghĩa tôn vinh và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, thể thao truyền thống đóng vai trò quan trọng trong hoạt động TDTT. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống là việc làm vô cùng cần thiết. Điều này đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết số 08/NQ-TW đã chỉ ra rằng để phát triển TDTT quần chúng thì một trong những giải pháp quan trọng đó là “Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động thể dục, thể thao. Có các giải pháp để phát huy tính tích cực, tính văn hóa, văn minh trong thể dục, thể thao”.

Hàng năm, từ trung ương đến địa phương, việc tổ chức các giải thi đấu thể thao truyền thống, các Hội thi thể thao, Hội thi văn hóa thể thao đã trở thành hoạt động thường niên và nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia. Bên cạnh đó, tại các kỳ Đại hội TDTT các cấp, ít nhất có từ 1-4 môn thể thao dân tộc được đưa vào tổ chức và tùy thuộc và điều kiện, sở thích cũng như thói quen của người dân để lựa chọn môn thể thao dân tộc cho phù hợp. Ngoài ra, tại các địa phương, các môn thể thao dân tộc, truyền thống luôn được tổ chức tại các dịp Lễ, Tết và được đông đảo nhân dân yêu thích tập luyện, đặc biệt là đối với các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa…

Việc khai thác và phát triển thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian theo định hướng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng của thể dục thể thao đối với sức khỏe cũng như góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh, quốc phòng, tạo mối giao lưu đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc anh em…

Ngoài việc khuyến khích hỗ trợ phát triển TDTT vùng dân tộc thiểu số bằng việc phát triển các môn thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây, ngành TDTT cũng đang tập trung vào việc hỗ trợ sưu tầm, nghiên cứu bảo vệ, bảo tồn và phổ biến các trò chơi vận động dân gian, các môn thể thao dân tộc thiểu số; thống kê các trò chơi vận động dân gian của các dân tộc thiểu số thành một nội dung của nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam.

VD

Ảnh trong bài
  • Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống