You must configure this module first via "Module Settings"

Công tác XHH TDTT ở Điện Biên có nhiều chuyển biến

Trong những năm qua, công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao của tỉnh Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Điều đó, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sức khỏe và cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho người dân; đồng thời góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 05/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực TDTT.

Giải Việt dã được tổ chức hàng năm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (Ảnh: S.Tình )
Các hoạt động TDTT quần chúng cũng như thể thao thành tích cao từng bước phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo ra một phong trào TDTT sôi nổi, liên tục, rộng khắp trên các địa bàn dân cư, với nhiều hình thức hoạt động TDTT phong phú và đa dạng ở các cấp, các ngành  như: Hội khoẻ Phù Đổng, các giải, hội thi thể thao hàng năm. Đặc biệt là tổ chức định kỳ Đại hội TDTT các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đã thu hút hàng vạn người tham gia tập luyện và thi đấu.

Để thực hiện công tác XHH TDTT, Sở VHTTDL đã chủ động xây dựng kế hoạch ký liên tịch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Y tế, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Báo Điện Biên, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh... để phát triển phong trào TDTT theo từng đối tượng gồm: Học sinh, sinh viên, Thanh niên, CNVC-LĐ, Phụ nữ, Nông dân, Người cao tuổi, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang.

Tính bình quân hàng năm có từ 12 - 15 giải, hội thao được các ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức theo định kỳ, trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm, ngày thành lập ngành… tạo cho phong trào TDTT quần chúng ở Điện Biên có nhiều nét khởi sắc theo hướng xã hội hoá như: Giải Cầu lông Báo Điện Biên, giải vô địch Quần vợt Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, giải Việt dã truyền thống thanh niên, hội thi thể thao các dân tộc…

Nhiều cấp, nhiều ngành đã tự bỏ kinh phí ra xây dựng nhà tập luyện, đã có nhiều giải thi đấu do các đơn vị tự đứng ra tổ chức, trong các giải thi đấu cấp ngành, cấp tỉnh đã thu hút được nguồn tài trợ của các Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tài trợ cho giải: Công ty TNHH cấp nước tỉnh Điện Biên; Công ty TNHH thể thao Hải Yến; Bưu Điện tỉnh; Công ty Điện Lực Điện Biên; Viễn Thông Điện Biên; Công ty Bảo Việt Điện Biên; Công ty TNHH Du lịch công đoàn; Cửa hàng dụng cụ thể thao Bình Anh. Ngoài ra trong năm 2014 Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với Viễn Thông Điện Biên tổ chức giải Quần vợt VNPT mở rộng, kinh phí do Viễn Thông Điện Biên chi trả.

Trong xu thế xã hội hóa công tác TDTT, tỉnh đã động viên, chỉ đạo phát huy tốt nội lực, sức mạnh tiềm năng của mỗi cấp, mỗi ngành cùng đầu tư công tác xã hội hóa TDTT theo tinh thần Nghị quyết 05/NQ-CP của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong trong việc đẩy mạnh phong tròa TDTT cũng như từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trong lĩnh vực TDTT. Hiện toàn tỉnh có 51 sân bóng đá (trong đó có 3 sân bóng đá cỏ nhân tạo), 1 sân điền kinh, 11 sân tennis, 70 nhà tập luyện; 10 bể bơi, 30 sân bóng rổ, 20 sân bóng ném, 180 sân bóng chuyền ngoài trời, trên 350 sân cầu lông và các khu thể thao, vui chơi giải trí khác. 100% các huyện, thị, thành phố được đầu tư xây dựng nhà luyện tập thể thao, có khoảng 50% các xã trong toàn tỉnh đã xây dựng được các sân thể thao đơn giản. Đặc biệt có nhiều ngành đã xây dựng nhà tập luyện thể thao, sân Tennis, Bể bơi của cơ quan, Doanh nghiệp tư nhân phục vụ cho tập luyện, thi đấu và khách tham quan du lịch… góp phần tích cực, đáp ứng tốt cho nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân các địa phương, các ngành, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động TDTT quần chúng phát triển theo hướng xã hội hoá.

Từ những chuyển biến mới trong nhận thức, cũng như từ kết quả đạt được trong công tác xã hội hóa TDTT, nhu cầu tham gia tập luyện TDTT của nhân dân ngày càng tăng. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã xem lĩnh vực TDTT là một nhiệm vụ chính trị, từ đó quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho các hoạt động TDTT, thay đổi phương thức quản lý và tổ chức hoạt động TDTT cho phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đông đảo nhân dân được rèn luyện và hưởng thụ các giá trị của TDTT.

Việc tập luyện TDTT của người dân đã trở thành một nhu cầu cấp thiết và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mọi người đều tự chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để luyện tập, nhằm nâng cao sức khỏe, góp phần xây dựng hoàn thiện phẩm chất, tư cách của con người mới góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Theo số liệu thống kê năm 2014, toàn tỉnh có số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên là 125,700 người, chiếm 23,5% so với tổng dân số toàn tỉnh; có 16.500 gia đình thể thao, chiếm 14,5% số hộ gia đình trong toàn tỉnh. Và tính đến tháng nay, con số này đều tăng, cụ thể số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên là 24,7%, trong đó nông thôn đạt 15% so với tổng dân số toàn tỉnh. Số gia đình thể thao đạt 15%, trong đó nông thôn đạt 8% trên tổng số hộ gia đình trong toàn tỉnh.

Để công tác xã hội hóa TDTT của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, thiết nghĩ trong thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh Điện Biên cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách như ưu đãi, hỗ trợ vốn, cho thuê đất, mặt bằng để xây dựng các cơ sở dịch vụ TDTT. Bên cạnh đó, cần chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp kinh phí để xây dựng các nhà tập, sân tập thể thao tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị cũng như tham gia vào việc tổ chức các giải thi đấu thể thao.

H.Phong
 

Ảnh trong bài
  • Công tác XHH TDTT ở Điện Biên có nhiều chuyển biến