You must configure this module first via "Module Settings"

Những bước tiến trong công tác XHH TDTT ở Hà Nam

Xác định xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT là một trong những biện pháp tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của địa phương ngày càng phát triển. Trong thời gian qua, Hà Nam đã có nhiều giải pháp thiết thực để huy động các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác xã hội hóa TDTT, bước đầu đem lại những kết quả khả quan.

Ông Trần Quốc Toản – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam cho biết “TDTT là lĩnh vực đặc thù, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực của người Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, giao lưu giữa các vùng miền.. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cho lĩnh vực TDTT còn nhiều hạn chế, chính vì vậy, cần sự chung tay của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân. Ở Hà Nam, xã hội hóa TDTT là một trong những giải pháp tích cực nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào sự nghiệp TDTT của tỉnh, góp phần nâng cao vị thế của Thể thao Hà Nam trên bình diện quốc gia.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-Chính phủ; Hà Nam có nhiều chính sách nhằm thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xã hội hóa TDTT như: hỗ trợ về đất đai, miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các công trình TDTT;

Với những chính sách trên, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT của Hà Nam đã phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc phát triển sự nghiệp TDTT. Năm 2014, ngành văn hóa – thể thao Hà Nam cũng đã tích cực vận động các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho hoạt động đào tạo thể thao thành tích cao và đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho tập luyện thể thao. Cùng với đó, chính quyền các cấp cũng tích cực chung tay xây dựng, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ việc rèn luyện, vui chơi của người dân. Tổng số tiền xã hội hóa phục vụ hoạt động TDTT là 19,368 tỷ đồng. Do vậy, điều kiện sân bãi được nâng lên đáng kể; nhiều công trình mới được hoàn thành, góp phần phục vụ tốt nhu cầu tập luyện TDTT cho mọi đối tượng người dân. 

Theo thống kê, Hà Nam là tỉnh có hệ thống cơ sở vật chất dành cho TDTT khá hoàn chỉnh. Hiện nay, 100% xã, phương, thị trấn đã quy hoạch xong diện tích đất dành cho sân tập TDTT phổ thông. Ở cấp huyện, riêng Phủ Lý đã có SVĐ; 5/5 huyện có khu vực dành cho hoạt động thể thao cấp huyện. Ở cấp tỉnh, có SVĐ tỉnh (sức chứa khoảng 2 vạn chỗ ngồi với nhiều trang thiết bị hiện đại đang được bảo dưỡng), Bể bơi, Sân quần vợt, sửa chữa và nâng cấp nhà tập đa năng…đặc biệt là Nhà thi đấu đa năng - công trình vừa được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014. Đây là công trình thể thao hiện đại và lớn nhất ĐNA với quy mô 7.600 chỗ ngồi sẽ là địa điểm đăng cai các giải thể thao quốc gia và quốc tế.

Năm 2014, toàn tỉnh cũng đã tổ chức 10 giải thể thao bằng nguồn ngân sách sự nghiệp TDTT của tỉnh, thu hút 1.200 lượt vận động viên tham dự ở các bộ môn như: vật, quần vợt, bóng đá, bóng bàn, cầu lông...  Đặc biệt, trong năm này, lần đầu tiên tỉnh Hà Nam tham gia đăng cai và tổ chức thành công 4 môn thi đấu trong Chương trình Đại TDTT toàn quốc lần thứ VII gồm: bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền và Taekwondo.

Việc tổ chức và tham gia đăng cai các giải thể thao đã khơi dậy tiềm năng TDTT trong quần chúng nhân dân, vận động mọi người thường xuyên tập luyện TDTT để tăng cường sức khỏe phục vụ lao động, học tập, công tác, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để công tác xã hội hóa TDTT có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ngoài những chính sách trên nhằm thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong vào ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các công trình TDTT phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân. Trong thời gian tới Hà Nam sẽ tăng cường đa dạng hóa và xã hội hóa các loại hình tập luyện, thi đấu TDTT; tích cực hình thành các tổ chức thể thao quần chúng như: Liên đoàn thể thao, Hội thể thao, Câu lạc bộ thể thao;.. Bên cạnh đó, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng các giải thi đấu TDTT, động viên, kêu gọi các nhà tài trợ chung tay, góp sức trong việc tổ chức các giải thi đấu thể thao từ tỉnh đến cơ sở, tạo thành phong trào rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

VD

Ảnh trong bài
  • Những bước tiến trong công tác XHH TDTT ở Hà Nam