You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Lai châu với việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW

Là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 450 km về phía Đông Nam, điều kiện kinh tế xã hội của Lai Châu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân phong trào thể dục thể thao của tỉnh không ngừng phát triển đa dạng cả về số lượng và chất lượng.

Đẩy gậy nằm trong nhóm các môn trọng điểm loại 1 của Lai Châu được đầu tư phát triển (Ảnh:V.Tiến)
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 04/10/2013 của UBND tỉnh Lai Châu “Phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng phát triển TDTT cho các huyện, thành phố đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng Nhân dân.

Việc phát triển TDTT được coi là một bộ phận quan tọng trong phát triển ngành VHTTDL cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người; trong đó tập trung phát triển về TDTT trong nhà trường, TDTT quần chúng làm nền tảng cho thể thao thành tích cao. 

Chính vì vậy, đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 23,8% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, 12.698 gia đình tham gia luyện tập thể thao, 258 Câu lạc bộ và điểm tập luyện TDTT cơ sở. Đặc biệt TDTT trong trường học được quan tâm chỉ đạo, đến nay đã có trên 80% các trường học thực hiện đảm bảo chương trình dạy và học môn thể dục, trên 50% các trường có hoạt động ngoại khoá, phong trào tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng các cấp được duy trì tốt theo đúng quy chế. Kết quả này đã hoàn thành mục tiêu đã đặt ra tại quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Lai châu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Do đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, chính vì vậy, việc khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian luôn được quan tâm chú trọng. Hàng năm, vào những dịp lễ, tết, ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh, nhất là các vùng dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa các giải thi đấu thể thao như: Đẩy gậy, Tung còn, Tù Lu, Kéo co, Đi cà kheo, Pao pao, Bắn cung đá, Tó má lẹ… luôn được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Điều đó, đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT trong quần chúng nhân dân.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, trung bình mỗi năm có khoảng trên 300 giải thi đấu các môn từ cơ sở tới toàn tỉnh được tổ chức. Theo thống kê, trong 10 năm qua, các đoàn VĐV Lai Châu đã đạt được 43 Huy chương Vàng, 55 Huy chương Bạc, 115 Huy chương Đồng tại các giải thi đấu khu vực và toàn quốc.

Hệ thống cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị tập luyện TDTT của tỉnh Lai Châu ngày càng được mở rộng (hiện toàn tỉnh có 4 sân vận động, 76 nhà tập luyện thể thao, 17 sân quần vợt, 8 sân bóng đá cỏ nhân tạo), dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn thiện và xây dựng mới các công trình TDTT trọng điểm theo hướng hiện đại như Trung tâm TDTT tỉnh, Sân vận động tỉnh, Trường năng khiếu TDTT tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy hoạch đất cho TDTT (đảm bảo đạt 3m2/người dân vào năm 2020). Cùng với đó, các thiết chế về văn hoa, TDTT cũng được quan tâm đầu tư xây dựng tại cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi giải trí cho nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới.

Để phong trào TDTT của Lai Châu ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, ngành VHTTDL tỉnh Lai Châu đã đề ra 6 giải pháp cụ thể. Trong đó cùng với việc đầu tư về mọi mặt cho các hoạt động TDTT, nhất là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, công tác thông tin tuyên truyền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như đông đảo nhân dân, đặc biệt là nhân dân các dân tộc thiểu số về tác dụng của việc tập luyện TDTT đối với sức khỏe con người cũng như vai trò của TDTT trong việc nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.

V.Tiến

Ảnh trong bài
  • TDTT Lai châu với việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW