You must configure this module first via "Module Settings"

Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2020 đạt 30% người dân tập luyện TDTT thường xuyên

Với nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả về tầm quan trọng và lợi ích của việc tập luyện TDTT đã khiến nhận thức của người dân về giữ gìn, rèn luyện sức khoẻ bản thân và gia đình từng bước được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó là sự đầu tư của nhà nước về kinh phí đã giúp cho hệ thống cơ sở vật chất cũng như các thiết chế về văn hóa, thể thao của địa phương từng bước được hoàn thiện. Điều đó đã giúp cho TDTT của tỉnh Quảng Ninh ngày càng khởi sắc.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh, tính đến nay trên toàn tỉnh số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 26% dân số, đây là mức cao so với tỷ lệ trung bình của các địa phương trên toàn quốc; 100% số trường THPT và THCS thực hiện thể dục nội khoá có nền nếp; số gia đình thể thao chiếm 17% số hộ. Hiện Quảng Ninh có trên 1.300 CLB thể thao, trong đó có trên 800 CLB ngoài công lập, hoạt động thu hút đông đảo mọi người dân đến tập luyện và thi đấu TDTT. Hàng năm, hàng nghìn giải thể thao ở cơ sở được tổ chức từ nguồn kinh phí do tư nhân, doanh nghiệp đóng góp và tài trợ; mỗi năm kinh phí huy động cho các hoạt động TDTT của tỉnh từ nguồn xã hội hoá lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cùng với phong trào hoạt động TDTT, cơ sở vật chất dành cho thể thao được đầu tư ngày càng nhiều, chủ yếu từ nguồn ngoài nhà nước, kinh phí phúc lợi; như xây dựng 22 nhà thi đấu thể thao ở các công ty than: Vàng Danh, Hà Tu, Cửa Ông, Núi Béo, Mạo Khê; Công an tỉnh… với kinh phí xây dựng ước tính gần 500 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh có 1.475 sân cầu lông, 226 sân bóng chuyền, 295 sân bóng đá (trong đó có 17 sân có mái che)… được xây dựng từ kinh phí Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Về thể thao thành tích cao, ngành TDTT tỉnh Quảng Ninh đã xác định nhóm môn thể thao "mũi nhọn" để tập trung đầu tư nên tại các giải đấu trong nước và quốc tế, nhiều VĐV Quảng Ninh tham dự và đạt thành tích cao. Các đội tuyển cũng phấn đấu nâng dần thứ hạng tại các kỳ đại hội, giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế, đồng thời cung cấp lực lượng VĐV tài năng cho các đội tuyển quốc gia.

Nổi bật trong năm 2014, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, đoàn Thể thao Quảng Ninh đã thi đấu xuất sắc và ấn tượng với lực lượng tham dự gồm 200 VĐV tham gia tranh tài ở 21 môn. Kết thúc Đại hội, đoàn thể thao Quảng Ninh đã giành được 63 huy chương (14 HCV, 22 HCB, 27 HCĐ), xếp thứ 14/65 tỉnh, thành phố và ngành tham dự. Quảng Ninh là 1 trong 16 địa phương được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ VHTTDL về tổ chức Đại hội TDTT cấp tỉnh và cơ sở; nhận Bằng khen của BTC Đại hội dành cho các đoàn thể thao xếp hạng từ 11 đến 20 trên bảng tổng sắp huy chương của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII. Đây hẳn là niềm tự hào không chỉ dành riêng cho những người làm công tác TDTT Quảng Ninh mà là niềm vui chung cho người dân đất mỏ sau một thời gian khá dài chờ đợi, TDTT tỉnh nhà đã có bước đột phá đáng ghi nhận.  

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu đưa thể thao Quảng Ninh vào trong tốp 15 các tỉnh, thành, ngành tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII (năm 2014), đứng trong tốp 10 tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII (năm 2018); số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ 30%; số gia đình luyện tập thể dục thể thao đạt đến 24%; 100% số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khoá, trong đó 95% trường thực hiện giáo dục thể chất có nền nếp; 75% tỷ lệ trường học thực hiện tốt hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá; 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn thể lực theo quy định.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu kể trên, TDTT Quảng Ninh xác định thời gian tới phải tiếp tục kịp thời ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hoá - du lịch. Tăng cường phát triển giáo dục thể chất cho thanh, thiếu niên trong các trường học; thông qua các phong trào, các giải thể thao nhằm thúc đẩy các hoạt động thể dục, thể thao trong cơ quan, xí nghiệp, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp gắn với đổi mới cơ chế tổ chức và công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng. Ưu tiên đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các câu lạc bộ chuyên nghiệp và phát triển các môn thể thao có kết hợp với hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các liên đoàn, hội đã có, xây dựng thêm các liên đoàn, hội mới và đi vào hoạt động có hiệu quả. Từng bước chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các Liên đoàn, Hội thể thao.   

Những mục tiêu, định hướng mà ngành TDTT Quảng Ninh đặt ra là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của nền thể thao nước nhà, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà thể thao Việt Nam đã, đang từng bước hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Với những kế hoạch, định hướng nói trên, tin tưởng rằng trong tương lai, thành tích TDTT Quảng Ninh sẽ còn vươn xa hơn.

N. H

Ảnh trong bài
  • Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2020 đạt 30% người dân tập luyện TDTT thường xuyên