|
Giải thi đấu Bóng chuyền được tổ chức bằng nguồn xã hội hóa (Ảnh: B.Thủy) |
Với phương châm đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT, hàng năm Sở VHTTDL Vĩnh Phúc đã chủ động ký kết từ 10 đến 12 chương trình phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể như: Giáo dục - Đào tạo; Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công an, Quân đội… nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT cho mọi người ngày càng phát triển. Trung bình hàng năm, ngành TDTT phối hợp tổ chức từ 20- 25 giải thể thao cấp tỉnh thu hút hàng trăm lượt VĐV tham gia. Kinh phí tổ chức các giải thể thao trên đều do các đơn vị, doanh nghiệp đảm nhận tài trợ đã phần nào giảm bớt ngân sách của tỉnh.
Cùng với đó, việc đăng cai tổ chức các giải thể thao toàn quốc, khu vực quốc tế như: Giải quần vợt các câu lạc bộ tỉnh, thành, ngành phía Bắc; giải thể thao ngành Tài chính khu vực phía Bắc, giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV cúp; Bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc; Giải quần vợt Sông Hồng Vĩnh Phúc mở rộng; Giải Quần vợt Người giáo viên nhân dân toàn quốc tranh Cúp Sông Hồng Thủ đô… luôn nhận được sự ủng hộ, tài trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã đẩy mạnh xã hội hoá, kêu gọi được sự ủng hộ, tài trợ kinh phí hàng trăm triệu đồng của các doanh nghiệp như: Thị xã Phúc Yên có doanh nghiệp Duy Hiến tài trợ cho đội Bóng đá, Bóng bàn, CLB Cầu lông Quyết Thắng; thành phố Vĩnh Yên thành lập CLB Bóng đá tuổi trẻ... các CLB do tư nhân thành lập
Ngoài việc kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa trong việc tổ chức các giải thi đấu TDTT quần chúng ở địa phương, công tác này còn được đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng sân tập… đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT cho nhân dân. Ước tính, nhân dân tự mua sắm khoảng 400 bộ bóng bàn, xây dựng 400 sân cầu lông. Nhiều Doanh nghiệp đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng các công trình thể thao, tiêu biểu như công ty Sông Hồng Thủ Đô xây dựng 01 bể bơi, 04 sân quần vợt; công ty Hoàng Vân (Phúc Yên) xây dựng 01 bể bơi và 02 sân quần vợt, danh nghiệp Hoàng Quy xây dựng bể bơi và 02 sân quần vợt. Nhiều huyện như Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường... đều có khu Trung tâm văn hóa thể thao, Nhà luyện tập TDTT, khu vui chơi cấp xã. Bình quân hàng năm có trên 100 giải thể thao được tổ chức ở mỗi huyện, trung bình mỗi xã tổ chức từ 2 đến 3 giải/năm với nguồn kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa, trong đó tập trung vào một số môn thể thao như Bóng chuyền, Bơi, Cầu lông, Kéo co, Vật...
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT mà trong 5 năm qua (2010-2014), TDT Vĩnh Phúc đã có những bước chuyển biến đáng kể cả về TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Hàng năm, tổ chức khoảng trên 500 giải thi đấu TDTT cho mọi người từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, trong đó: 15-18 giải cấp tỉnh, 65-70 giải cấp huyện, thành phố và 450- 500 cuộc thi đấu cấp xã, phường, thị trấn. Đoàn vận động viên Vĩnh Phúc tham gia thi đấu các giải Quốc gia, Quốc tế và khu vực đạt được 828 huy chương các loại; trong đó 203 HCV, 270 HCB, 355 HCĐ. Đặc biệt, năm 2013, Vĩnh Phúc có 3 VĐV tham dự SEA Games 27 tại Myanmar và đạt thành tích xuất sắc với 4 Huy chương các loại; Đặc biệt, năm 2014, Thể thao Vĩnh Phúc đã tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII tại Nam Định giành tổng số 40 huy chương các loại (trong đó có 12 HCV, 11 HCB và 17 HCĐ), xếp vị trí thứ 17 trên bảng xếp hạng huy chương của Đại hội, trong đó một số bộ môn đứng trong tốp đầu như: Pencak Silat, Đua thuyền, Wushu. Cũng trong năm 2014, thể thao Vĩnh Phúc đón nhận tin vui khi lần đầu tiên đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc được lên hạng Đội mạnh quốc gia.
Thành tích này đã khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của thể thao Vĩnh Phúc (năm 2006 đứng thứ 34/63 tỉnh thành; năm 2010 tiến thêm 10 bậc, đứng thứ 24/63 và năm 2014 đã hoàn thành mục tiêu đứng trong tốp 17 của cả nước). Đặc biệt, tại SEA Games 28 tổ chức tại Singapore, Vĩnh Phúc có 8 VĐV tham gia Đoàn thể thao Việt Nam và đã xuất sắc giành 1 HCV ở môn Đua thuyền, 2 HCB môn Pencak Silat, 1 HCĐ môn Điền kinh.
Cùng với những mặt đã đạt được, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT ở Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Chưa có giải pháp hữu hiệu và tích cực để các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư cho TDTT, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Vì vậy, chưa huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển TDTT tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Việc xã hội hóa và huy động các nguồn lực, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước cho xây dựng thiết chế văn hóa còn nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án, công trình đầu tư trọng điểm của tỉnh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch còn chậm. Việc tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở các khu công nghiệp chưa thường xuyên; đời sống văn hóa tinh thần của công nhân còn nghèo nàn.
Để hạn chế những tồn tại trên, ngành TDTT Vĩnh Phúc đặt ra nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực trong đó tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xã hội hoá thể dục thể thao đối với các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân; Đa dạng hóa các loại hình hoạt động: khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các CLB thể thao và tổ chức các giải thể thao, hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các liên đoàn thể thao... Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc phối hợp, lồng ghép các chương trình trong tổ chức các hoạt động thể thao với văn hóa, du lịch.
B. Thủy