|
Giải Bóng bàn toàn quốc báo Nhân Dân được tổ chức tại Đắk Lắk (Ảnh: H.Thái ) |
Thực hiện Quyết định số 727/QĐ-UBND ngày 26/3/2015 của UBND tỉnh về ban hành “Kế hoạch triển khai xã hội hóa phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 – 2020”, thời gian qua, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của để đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ hoạt động TDTT, hình thành các câu lạc bộ cũng như thường xuyên tham gia các giải thi đấu được tổ chức tại địa phương. Phong trào xã hội hóa đã thực sự tạo được động lực thúc đẩy hoạt động TDTT ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhân dân phấn khởi thi đua rèn luyện thân thể, có thêm tinh thần, sức khỏe trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
Không phải ngẫu nhiên trong thời gian qua, Đắk Lắk được Tổng cục TDTT (Bộ VHTTDL) đánh giá là địa phương dẫn đầu trong công tác phát triển thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng như thể thao dân tộc trong khu vực Tây Nguyên bởi vì, số người luyện tập TDTT thường xuyên toàn tỉnh đạt 24,92%, số gia đình luyện tập TDTT thường xuyên đạt 14,8% (năm 2014). Được sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính quyền, cơ quan chức năng, ở mỗi địa phương huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn đã thành lập và duy trì hàng chục câu lạc bộ TDTT như: Võ thuật, Bóng bàn, Bóng đá, Thể hình… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng say luyện tập hàng ngày.
Các thiết chế về TDTT ngày một phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như quy mô: có 03 Liên đoàn, 06 hội; Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp huyện 8 đơn vị; Nhà Văn hóa và khu thể thao thôn, buôn 587 nhà; sân bóng đá mini cỏ nhân tạo 271 sân; bể bơi 9 bể, sân Tennis 50 sân, cầu lông, đá cầu 71 sân, bóng chuyền 782 sân, bàn bóng bàn 103 bàn, gần đây một số người dân ở một số huyện còn mạnh dạn đần tư kinh phí lớn hàng tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi, khu TDTT; gồm sân bóng đá mini, sân quần vợt, bóng bàn, hàng ngày thu hút nhiều người dân đến tham gia tập luyện, một số hộ dân còn có những nghĩa cử cao đẹp đã hiến đất để làm khu thể thao, sân Bóng chuyền cho thôn, buôn.
Được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức xã hội, các đơn vị trong tỉnh đã thường xuyên vận động kinh phí để tổ chức các giải thi đấu, tạo phong trào, khí thế thi đua rèn luyện TDTT hết sức sôi nổi ở khắp các địa phương. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm "bình quân mỗi năm kinh phí tài trợ cho các hoạt động TDTT đối với cấp tỉnh 250 triệu đồng/năm, cấp huyện, thị xã 50 - 100 triệu đồng/năm.
Tuy cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có còn thiếu so với nhu cầu thực tế sử dụng, nhưng lực lượng VĐV được đầu tư bài bản, từ tuyến năng khiếu đến các đội trẻ và đội tuyển với phương châm đi trước đón đầu, năm 2014 ngành TDTT tỉnh Đắc Lắk đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, giành vị trí thứ nhất khu vực Tây Nguyên, xếp thứ 2/19 tỉnh miền núi, xếp thứ 33/65 tỉnh, thành, ngành tham dự Đại hội với tổng số 21 huy chương (04 HCV, 03 HCB, 14 HCĐ)… gần đây, tỉnh Đăk Lăk đã đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam 3 tấm huy chương (02 HCV, 01HCB) tại SEA Games 28 – 2015 ở Singapore.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ, những mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp “Kế hoạch triển khai xã hội hóa phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2015 – 2020” hoàn thành hiệu quả; góp phần phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân.
Huy Thái