Với phương châm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia tập luyện TDTT, phong trào TDTT quần chúng tại Thái Nguyên không ngừng phát triển mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện qua việc số lượng người dân tự giác tham gia tập TDTT, số gia đình thể thao… luôn đạt ở mức cao.
Theo thống kê của ngành VHTTDL tỉnh Thái Nguyên, năm 2014, tỉnh Thái Nguyên có hơn 28,6% số dân tập luyện TDTT thường xuyên; hơn 22,2% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; 100% số trường học các cấp bảo đảm công tác giáo dục thể chất có chất lượng; 85% số trường học các cấp thực hiện chương trình ngoại khoá có nề nếp; 100% cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia rèn luyện thân thể thường xuyên; 100% cán bộ, chiến sĩ công an rèn luyện thân thể thường xuyên.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh nhờ đó cũng từng bước được nâng tầm. Trung bình mỗi năm, Thái Nguyên cung cấp từ 5 đến 8 VĐV cho đội tuyển quốc gia, tập luyện và thi đấu ở các giải thể thao trong nước và quốc tế. Nhiều VĐV tên tuổi của Thể thao Thái Nguyên đã trở thành các tuyển thủ quốc gia và đóng góp không nhỏ vào bảng Vàng thành tích của thể thao nước nhà như: nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương (Điền kinh), Nguyễn Thanh Thảo (Taekwondo), Nguyễn Thị Hằng (Vật – HCB thế giới)…
|
Giải Bóng đá CLB tỉnh Thái Nguyên - Cúp Nhiệt điện An Khánh được tổ chức từ nguồn kinh phí xã hội hóa (Ảnh: T.Hiếu. ) |
Một số môn thể thao mũi nhọn của Thái Nguyên như: Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Vật nam, Vật nữ, Wushu, Đua thuyền… luôn được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Đây cũng chính là những môn thể thao mang về cho tỉnh nhà nhiều tấm huy chương cao quý tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Chỉ trong thời gian 5 năm gần đây, VĐV của trung tâm TDTT tỉnh đã tham gia hàng chục mùa giải khu vực, trong nước và quốc tế, và mang về tổng số 131 HCV. Trong đó, năm 2010 đạt 21 HCV, 2011 đạt 39 HCV, 2012 đạt 26 HCV, 2013 đạt 26 HCV, 2014 đạt19 HCV và hàng trăm HCB, HCĐ.
Thể thao Thái Nguyên đang từng bước chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp. Có được kết quả trên một phần là nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT. Ông Trần Cơ Trường – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên cho biết: dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, các tổ chức xã hội, các liên đoàn, các doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm.
Trong đó, điển hình phải kể đến công tác xã hội hóa ở môn Bóng đá. Liên đoàn Bóng đá Thái Nguyên đã tích cực vận động các doanh nghiệp chung tay vì sự phát triển của phong trào bóng đá tỉnh nhà. Năm 2014, Liên đoàn Bóng đá Thái Nguyên đã vận động Công ty Cổ phần Thương mại TNG tài trợ 500 triệu đồng kinh phí hoạt động cho đội bóng đá nữ. Đặc biệt, tại thành phố Thái Nguyên, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây (2010-2014), đã xây dựng được 8 sân bóng đá (với mức đầu tư trên 7 tỷ đồng), hàng chục sân tập luyện các môn thể thao khác, bằng nguồn kinh phí đóng góp từ các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân.
Ngoài Bóng đá, các môn thể thao khác như Cầu lông, Quần vợt, Bóng bàn, Cờ tướng… cũng nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ước tính, số tiền thu được từ công tác xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng phục vụ cho việc tổ chức các giải thi đấu thể thao như: giải Bóng đá CLB tỉnh Thái Nguyên tranh Cúp Nhiệt điện An Khánh, giải Bóng bàn – Cúp Trần Minh, giải Cầu lông ngành Tuyên Giáo mở rộng…
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện của người dân từng bước được củng cố và hoàn thiện. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng trên 1000 sân Cầu lông, 40 sân Quần vợt, trên 10 sân bóng đá…được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Bên cạnh đó, ngành TDTT tỉnh Thái Nguyên đã từng bước đổi mới, tăng cường công tác quản lý, cải tiến phương pháp tuyển chọn và đào tạo lực lượng VĐV, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, HLV… đây chính là những yếu tố tiên quyết góp phần đẩy mạnh sự nghiệp TDTT của tỉnh ngày càng phát triển, xứng đáng là trung tâm kinh tế trọng điểm khu vực vùng Đông Bắc.
Dũng- Hiếu