You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao Bắc Ninh đẩy mạnh công tác xã hội hoá đến năm 2030

Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn coi việc phát triển thể dục thể thao (TDTT) là yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng, góp phần phát triển, nâng cao sức khỏe toàn diện, tạo nhân tố nguồn lực con người để đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để TDTT tỉnh Bắc Ninh thành công, ngoài nguồn ngân sách của địa phương, tỉnh đã huy động khá hiệu quả nguồn lực xã hội chung tay, chung sức đầu tư cho sự nghiệp TDTT của tỉnh.

Nhiều công trình TDTT được các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia. Nhiều VĐV được tài trợ thi đấu ở các giải quốc gia và quốc tế. Nếu năm 2007 chỉ có 30 cơ sở TDTT ngoài công lập hoạt động thường xuyên; 4 liên đoàn thể thao cấp tỉnh; Xã hội hóa 5 bể bơi, 33 nhà tập và 8 sân Quần vợt, huy động kinh phí cho hoạt động TDTT từ 2-3 tỷ đồng.

Thì đến nay đã có hơn 300 cơ sở TDTT ngoài công lập hoạt động thường xuyên; 7 liên đoàn thể thao cấp tỉnh; 43 nhà tập đa năng, 22 nhà tập từng môn và 16 phòng tập đơn giản; 23 bể bơi đủ tiêu chuẩn, 16 bể bơi (hồ bơi) đơn giản; 24 Sân bóng đá cỏ nhân tạo; 10 Sân bóng đá cỏ tự nhiên; 54 Sân quần vợt; 164 Các sân thể thao ngoài trời, ngoài ra còn nhiều phòng tập thẩm mỹ, bi-a, patanh và thể hình tạo ra nhiều sân chơi phục vụ người dân trong tỉnh.

Cùng với đó, nhiều VĐV thể thao thành tích cao cũng đã nhận được sự tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức để tham gia các giải quốc gia và quốc tế ở các môn Võ cổ truyền, Vovinam, Vật, Cầu lông, Cờ vua...; nguồn kinh phí được tài trợ cho các giải thi đấu và cho hoạt động TDTT lên tới hàng chục tỷ đồng.

Nhiều giải đấu thường niên được tổ chức đều gắn với thương hiệu của các nhà tài trợ như: Giải chạy việt dã “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước”- Cup Báo Bắc Ninh; giải bóng chuyền nữ Quốc tế Cup LienViet Post Bank; Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng; giải bóng bàn B- League Bắc Ninh 2014 tranh Cup Phượng Hoàng; giải bóng đá B-League Bắc Ninh tranh Cup “Gia đình Việt”… điều đó thể hiện các tổ chức, cá nhân cũng rất quan tâm, ủng hộ đến việc gây dựng và phát triển phong trào tập luyện TDTT của tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác xã hội hoá, ngành TDTT tỉnh Bắc Ninh đã đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hoá đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, ngành TDTT tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, trong đó chú trọng đến việc chuyển các dịch vụ TDTT từ các đơn vị sự nghiệp TDTT công lập cho khu vực ngoài công lập thực hiện; thu hút đầu tư từ xã hội để xây dựng các cơ sở TDTT, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các Câu lạc bộ TDTT, tổ chức các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp, tài trợ cho TDTT và thúc đẩy phát triển các môn thể thao giải trí, thể thao dân tộc do xã hội đầu tư.

Bên cạnh đó, để đưa thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh tiến xa hơn nữa, trong những năm tới TDTT tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh việc phát triển số lượng các liên đoàn, hội thể thao cấp tỉnh: Giai đoạn 2015-2020: Duy trì từ 7 đến 10 liên đoàn; Giai đoạn 2021-2025 phát triển từ 10 - 12 liên đoàn; Đến 2030 từ 12-15 liên đoàn.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, ngành TDTT tỉnh Bắc Ninh cũng đã đưa ra những giáp pháp cụ thể để đẩy mạnh xã hội hoá TDTT. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền nhằm hình thành tư duy mới đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT; tăng cường huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao. Thu hút sự tham gia của các lực lượng xã hội vào quá trình quản lý, giám sát các hoạt động TDTT.

Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các lực lượng xã hội (doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân) trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động TDTT và xây dựng các cơ sở TDTT, các tổ chức TDTT (tài trợ cho luyện tập và thi đấu, thành lập Câu lạc bộ, trực tiếp tổ chức thi đấu, tiếp thị, kinh doanh dịch vụ về TDTT…).

Đồng thời, nghiên cứu thành lập các Ban quản lý các cơ sở tập luyện và thi đấu TDTT thành đơn vị sự nghiệp độc lập để khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình TDTT đã được tỉnh xây dựng và trang bị. Thành lập thêm các đơn vị kinh doanh cổ phần và thương mại hàng hóa TDTT, sản xuất dụng cụ, trang thiết bị TDTT. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thực hiện việc chuyển giao một số hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực TDTT cho các tổ chức xã hội và các cơ sở ngoài công lập thực hiện. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và phát triển những loại công trình TDTT sau: Cơ sở đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao; Sân thể thao, bao gồm: sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân quần vợt, sân bóng rổ, sân tập, sân vận động, khu liên hợp thể thao; Bể bơi, bể nhảy cầu, bể vầy, bể hỗn hợp, câu lạc bộ bơi lội, câu lạc bộ thể thao dưới nước; Nhà tập luyện thể thao; Liên đoàn, hiệp hội thể thao; Cơ sở lưu trú, ký túc xá của vận động viên thể thao.

Xây dựng hệ thống các quy định và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ các hoạt động đào tạo, huấn luyện và thi đấu, kinh doanh dịch vụ thi đấu thể thao. Khuyến khích lập các quỹ tài trợ, quỹ bảo vệ tài năng thể thao, quỹ hỗ trợ vận động viên…. cũng như xây dựng, thực hiện chính sách khuyến khích và tôn vinh những cá nhân và tập thể hiến đất cho TDTT. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh doanh dịch vụ TDTT như miễn giảm thuế, hỗ trợ về cộng tác viên, hướng dẫn viên cho các Câu lạc bộ, điểm tổ chức hoạt động TDTT.

KC

Ảnh trong bài
  • Thể thao Bắc Ninh đẩy mạnh công tác xã hội hoá đến năm 2030