You must configure this module first via "Module Settings"

5 chính sách đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động TDTT của Tiền Giang

Trong những năm qua, thể thao Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc. Số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng rõ rệt cùng với đó các VĐV Tiền Giang cũng gặt hái nhiều thành tích cao trên đấu trường thể thao trong nước và quốc tế. Có được thành công này ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành phải kể đến sự chung tay, góp sức của các cá nhân, tổ chức tài trợ cho các hoạt động TDTT ở tỉnh Tiền Giang

Những kết quả đạt được của Thể thao Tiền Giang từ công tác XHH

Với sự quan tâm, đầu tư của UBND tỉnh Tiền Giang cùng việc đẩy mạnh công tác XHH trong hoạt động TDTT, phong trào TDTT quần chúng tỉnh Tiền Giang trong những năm qua đã có sự phát triển rõ rệt. Điển hình là số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên hàng năm tăng nhanh, nếu như năm 1997 toàn tỉnh chỉ có 5% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, đến năm 2014 tỷ lệ này nâng lên 24%. Công tác XHH được đẩy mạnh cũng đã đem lại cho Thể thao Tiền Giang những thành công trong công tác tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - 2014. Tại kỳ Đại hội này đã có 145/145 xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT với quy mô tổ chức ít nhất từ 5 môn, có nơi tổ chức từ 7 đến 10 môn với sự tham gia của hơn 43.300 VĐV. Kinh phí tổ chức Đại hội cấp xã trên 5,1 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ số tiền hơn 2 tỷ đồng. Sau Đại hội cấp xã, 15/15 huyện, thị, thành phố tổ chức thành công Đại hội, quy tụ trên 16.600 VĐV tham gia tranh tài từ 8 môn - 14 môn thể thao; kinh phí tổ chức gần 5,5 tỷ đồng, trong đó vận động từ nguồn xã hội hóa hơn 1,1 tỷ đồng. Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII năm 2014 tổ chức thi đấu 15 môn với sự tham gia của hơn 4.660 VĐV; trong số hơn 2,3 tỷ đồng đầu tư tổ chức Đại hội, vận động xã hội hóa được 325 triệu đồng.

Cùng với sự phát triển sâu rộng của phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, trung bình mỗi năm VĐV năng khiếu, đội trẻ và đội tuyển tỉnh được tham dự từ 25 đến 30 giải khu vực, toàn quốc và quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2014, các đội tuyển tham gia thi đấu 20 giải khu vực, toàn quốc, quốc tế đạt 116 huy chương, (trong đó có 42 HC vàng, 29 HC bạc, 45 HC đồng). Riêng Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, Kiên Giang đạt 3 HC vàng, 2 HC bạc và 9 HC đồng, xếp hạng 39/65 tỉnh, thành, ngành.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, thể thao thành tích cao Tiền Giang đã gặt hái nhiều thành tích ấn tượng. Điển hình tại Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI-2015, đoàn thể thao Tiền Giang đã xuất sắc giành vị trí thứ 3 chung cuộc với 66 HCV, 65 HCB, 96 HCĐ. Trong đó, Quần vợt, Cờ vua vẫn khẳng định là 2 môn thế mạnh của thể thao Tiền Giang khi mang về 4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ, xếp hạng Nhất toàn đoàn ở môn Quần vợt và 4 HCV, 3 HCB và 2 HCĐ, xếp hạng Nhì toàn đoàn ở môn Cờ vua.

Ở các giải đấu quốc tế và trong nước, Tiền Giang cũng cử VĐV tham dự như: Kỳ thủ Võ Thành Ninh tham dự giải Cờ vua quốc tế khu vực 3.3, giải Cờ vua quốc tế HDbank lần thứ 5 tại Thành phố Hồ Chí Minh và giải Cờ vua hạng Nhất quốc gia, tuy chưa thể cạnh tranh huy chương với những kỳ thủ tên tuổi trong nước và quốc tế nhưng thành tích thi đấu của Võ Thành Ninh có tiến bộ. Tại giải vô địch Cờ vua nhanh và chớp nhoáng toàn quốc, Tiền Giang giành 1 HC đồng. Với việc được tham gia thi đấu, cọ xát ở những đấu trường lớn như những giải trên sẽ là cơ hội để các kỳ thủ Tiền Giang học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu.

Xây dựng chính sách khuyến khích đẩy mạnh XHH

Mặc dù công tác xã hội hóa TDTT tỉnh Tiền Giang trong những năm qua đã có bước phát triển nhưng chưa đủ mạnh, thiếu những giải pháp để động viên và khích lệ mọi người tham gia. Chính vì vậy, để đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong các hoạt động TDTT, UBND tỉnh Tiền Giang đã đưa ra 5 chính sách mới nhằm khuyến khích các hoạt động xã hội hoá. Những chính sách này khi được đưa vào áp dụng phần nào sẽ giảm bớt những gánh nặng cho các doanh nghiệp, cá nhân thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư nhiều hơn nữa cho các hoạt động TDTT.

Đầu tiên phải kể đến đó là chính sách cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, theo đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa được ưu tiên thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa để cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực TDTT phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của tỉnh và của Nhà nước. Giá cho thuê cơ sở hạ tầng và một phần hoặc toàn bộ công trình xã hội hóa được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi thỏa thuận với cơ sở thực hiện xã hội hóa và theo nguyên tắc: Giá thuê được xác định phù hợp với mức giá thuê phổ biến trên thị trường có tính đến yếu tố khuyến khích của địa phương tại thời điểm ký hợp đồng thuê nhưng phải bảo đảm việc bảo toàn chi phí hình thành nên tài sản thuê.

Thứ 2 là chính sách ưu đãi về tín dụng, cơ sở thực hiện xã hội hóa được vay vốn tín dụng đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Các dự án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi theo quy định.

Tiếp đến là chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở bảo tồn và hành nghề truyền thống, cơ sở đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao (năng khiếu và thành tích cao), huấn luyện thể thao cho người tàn tật được ngân sách tỉnh hỗ trợ 01 lần kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng theo mức 30% giá trị quyết toán hoàn thành công trình được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án. Dự án đầu tư xây dựng mới khác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được ngân sách tỉnh hỗ trợ 01 lần kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng theo mức 20% giá trị quyết toán hoàn thành công trình được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án.

Thứ 4, chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị thì được Nhà nước cho thuê đất và miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định cụ thể như sau: miễn tiền thuê đất 25 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động đối với các dự án xã hội hóa thực hiện tại địa bàn các xã thuộc thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công, địa bàn các thị trấn thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo; miễn tiền thuê đất 20 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động đối với các dự án xã hội hóa thực hiện tại các xã thuộc thành phố Mỹ Tho, các phường thuộc thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công; miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động đối với các dự án xã hội hóa tại các phường thuộc thành phố Mỹ Tho.

Cuối cùng là chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng người lao động trong các cơ sở thực hiện xã hội hóa. Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng người lao động trong các cơ sở thực hiện xã hội hóa.

Hy vọng với những chính sách khuyến khích đầu tư XHH mới được ban hành, công tác XHH trong hoạt động TDTT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút nhiều hơn nữa các doanh ngiệp, cá nhân tham gia vào lĩnh vực này, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của TDTT tỉnh Tiền Giang ngày càng vững mạnh.

KC

Ảnh trong bài
  • 5 chính sách đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động TDTT của Tiền Giang