Chính vì vậy, chiến lược phát triển thể thao thành tích cao thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 nhằm xây dựng và phát triển nền thể thao thành tích cao ổn định, vững chắc; đội ngũ HLV, VĐV có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn cao; phấn đấu đạt vị trí một trong 5 đơn vị dẫn đầu trong các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, đóng góp nhiều VĐV cho các đội tuyển quốc gia và đạt thành tích cao tại các giải thể thao khu vực Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế.
Trên quan điểm đó, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện được chiến lược mà Đà Nẵng đặt ra là thu hút những huấn luyện viên giỏi trong và ngoài nước cho các môn thể thao mũi nhọn và một số môn thể thao mới phát triển tại thành phố Đà Nẵng. Công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong 5 năm, từ 2005 đến năm 2010, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ chính sách và mức độ đầu tư như: Quyết định số 7929/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2007; Quyết định số 1547/ QĐ-UBND ngày 15 tháng 2 năm 2008; Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2009 và Quyết định số 1525/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2010 về các chế độ đặc thù trong quá trình tập huấn, thi đấu, và chế độ dinh dưỡng đối với các HLV, VĐV. Đặc biệt, mới đây, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII đã thông qua Nghị quyết đãi ngộ đối với các VĐV, HLV thể thao tài năng tại địa phương. Những người được thụ hưởng là VĐV, HLV đạt thành tích xuất sắc trong thi đấu thể thao ở các giải trong nước và quốc tế.
Theo tờ trình số 4839/TTr-UBND gửi Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký ngày 24/6/2015, Đà Nẵng đã đưa ra chính sách đã ngộ VĐV nhằm thu hút những tài năng thể thao bằng thu nhập hàng tháng, chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với VĐV xuất sắc và hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm ở định đời sống đối với VĐV xuất sắc.
Cụ thể, ngoài chế độ dành cho vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu theo quy định hiện hành, HLV và VĐV được hưởng đãi ngộ về thu nhập hàng tháng như sau: tại Olympic, các VĐV, HLV giành HCV, HCB, HCĐ sẽ có mức thu nhập tăng lần lượt là gấp 25 lần, 20 lần và 16 lần; Olympic trẻ và Đại hội thể thao châu Á cũng ở mức gấp 20 lần đối với HCV, 15 lần với HCB và 12 lần với HCĐ (thời gian được hưởng trong 4 năm); Vô địch thê giới: gấp 20 lần, 12 lần, 8 lần và vô địch châu Á là 14 lần, 8 lần và 6 lần với thành tích HCV, HCB, HCĐ (thời gian hưởng 1 năm); SEA Games: gấp 11 lần với HCV, gấp 6 lần với HCB và gấp 4 lần với HCĐ (thời gian hưởng 2 năm); Riêng vô định Đông Nam Á, đại hội TDTT toàn quốc và vô địch quốc gia chỉ áp dụng đối với HCV trong vòng một năm, với mức thu nhập gấp hai đến bốn lần. HLV được hưởng chế độ này bằng một nửa VĐV.
Ngoài ra VĐV đạt huy chương tại các kỳ đại hội thể thao Olympic, HCV tại các kỳ đại hội thể thao châu Á (ASIAD), các kỳ đại hội thể thao Olympic trẻ và từng môn thể thao tại các giải vô định thế giới còn được cho thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội khi có nhu cầu về chỗ ở. Được miễn tiền thuê nhà trong thời gian 10 năm. VĐV đạt HCB, HCĐ ở các đại hội tương tự được ưu tiên xét cho thuê, cho mua nhà ở xã hội khi có nhu cầu và được miễn tiền thuê nhà trong thời gian 5 năm.
Riêng các VĐV đạt HCĐ từng môn thể thao tại các giải vô địch thế giới; HCB, HCĐ từng môn thể thao tại các giải vô địch châu Á và các kỳ SEA Games; HCV từng môn thể thao tại các giải vô địch Đông Nam Á hay tại các kỳ đại hội thể thao toàn quốc và giải vô địch quốc gia thì chỉ được xét cho thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội khi có nhu cầu nhưng không được miễn tiền thuê.
VĐV cũng được hỗ trợ từ 50 đến 100% học phí cao đăng đại học thể dục thể thao, và được ưu tiên bố trí công tác trong ngành TDTT hoặc ưu tiên xét tuyển công tác ở ngành khác phù hợp với chuyên môn đào tạo. Thêm vào đó, VĐV sẽ được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ chi phí học nghề…
Chế độ đãi ngộ này được triển khai áp dụng từ tháng 1/2015, căn cứ vào thành tích thi đấu năm 2014 và SEA Games năm 2013.
Với chính sách ưu đãi đặc biệt trên sẽ là động lực to lớn để các tài năng thể thao của Đà Nẵng yên tâm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp thể dục thể thao của Thành phố. Điều này cũng cho thấy, các cấp chính quyền cũng như những nhà hoạch định chính sách của Đà Nẵng đã có những giải pháp đúng đắn, phù hợp mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của thành phố, đặc biệt là thể thao thành tích cao của Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tin tưởng rằng, cùng với những giải pháp đồng bộ, việc ban hành chính sách đãi ngộ VĐV, HLV tài năng của Đà Nẵng sẽ tạo ra bước đột phá mới trong việc hướng tới hoàn thành những mục tiêu mà chiến lược TDTT của Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra.
VD