Với mục tiêu từ nay đến năm 2020, phát triển phong trào thể thao quần chúng, tỷ lệ người dân tham gia hoạt động thể dục - thể thao đạt 47% vào năm 2016 và 50% năm 2020; trong đó tập luyện thường xuyên đạt 30% vào năm 2016 và 35% vào năm 2020; đảm bảo diện tích đất cho các công trình thể dục - thể thao bình quân toàn thành phố đạt 2,5 - 3m2/ người; Phấn đấu cơ sở thể dục - thể thao công lập tự cân đối thu chi đạt 30% tổng số cơ sở thể dục - thể thao công lập vào năm 2016 và 50% vào năm 2020; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có cơ sở tập luyện thể thao đạt 65% số xã, phường, thị trấn vào năm 2016 và 95% vào năm 2020.
Để đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong các hoạt động TDTT từ nay đến năm 2020, UBND thành phố Hải Phòng đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích công tác xã hội hoá. Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng đã áp dụng chính sách về hỗ trợ nguồn nhân lực, dành tỷ lệ 20% - 30% tổng số tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của thành phố cho cơ sở thực hiện xã hội hóa tham gia chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, viên chức; hỗ trợ kinh phí tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng như cán bộ, viên chức khối đơn vị sự nghiệp công lập; hỗ trợ việc sắp xếp, tuyển dụng nhân lực đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang loại hình tự cân đối thu chi, các cơ sở xã hội hóa.
Cơ sở thực hiện xã hội hóa được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực xã hội hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của thành phố. Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển các lĩnh vực xã hội hóa và khả năng ngân sách thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố ưu tiên giành kinh phí để đầu tư, cải tạo nâng cấp quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư xây dựng mới nhà, cơ sở hạ tầng cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê dài hạn với giá ưu đãi.
Theo đó, thời gian cho thuê nhà, cơ sở hạ tầng đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa do UBND thành phố xác định cho từng trường hợp cụ thể nhưng tối thiểu không dưới 10 năm, giá thuê có thể được điều chỉnh theo kỳ hạn quy định trong hợp đồng. Hết thời hạn này, nếu các cơ sở thực hiện xã hội hóa còn có nhu cầu sử dụng nhà, cơ sở hạ tầng thì được ưu tiên tiếp tục gia hạn thuê, thời gian của một đợt gia hạn tối thiểu không dưới 05 năm. Trường hợp các cơ sở thực hiện xã hội hóa có nhu cầu thuê nhà, cơ sở hạ tầng ít hơn thời gian đã xác định trên thì thời gian cho thuê nhà, cơ sở hạ tầng được xác định theo đề nghị của các cơ sở thực hiện xã hội hóa.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hải Phòng cũng đưa ra chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, các cơ sở thực hiện xã hội hóa xây dựng nhà, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động xã hội hóa nằm trong các dự án, khu đô thị mới đã được xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước) phải nộp chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật sẽ được thành phố hỗ trợ một phần chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tỷ lệ hỗ trợ cụ thể như sau: khu vực các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ được hỗ trợ 50% giá trị đầu tư; khu vực các huyện còn lại được hỗ trợ 30% giá trị đầu tư; khu vực các quận được hỗ trợ 20% giá trị đầu tư.
Đối với chính sách về giao đất, cho thuê đất, UBND thành phố Hải Phòng sẽ căn cứ điều kiện thực tế và từng trường hợp cụ thể, cơ sở thực hiện xã hội hóa để xem xét quyết định giao đất có thời hạn hoặc cho thuê đất có thời hạn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo các hình thức sau: giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất và miễn tiền thuê đất trong thời hạn được Ủy ban nhân dân thành phố cho thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất trong thời hạn được Ủy ban nhân dân thành phố giao đất. Cơ sở thực hiện xã hội hóa được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất, cho thuê đất nhưng miễn tiền thuê đất phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai; không được tính giá trị quyền sử dụng đất đang sử dụng vào giá trị tài sản của dự án đầu tư và không được dùng để thế chấp làm tài sản vay vốn.
Cùng với đó, UBND thành phố Hải Phòng sẽ áp dụng chính sách ưu đãi về tín dụng, theo đó hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển các lĩnh vực xã hội hóa và khả năng ngân sách thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố ưu tiên giành kinh phí từ nguồn đầu tư bổ sung vốn cho Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố để đáp ứng nhu cầu cho vay ưu đãi đối với cơ sở thực hiện xã hội hoá. Đồng thời thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với các cơ sở công lập chuyển đổi sang xã hội hóa, cơ sở công lập tự đảm bảo kinh phí (toàn bộ hoặc từng bộ phận).
Với việc đưa ra nhiều chính sách, khuyến khích công tác xã hội hoá trong hoạt động TDTT, UBND thành phố Hải Phòng đưa ra mục tiêu chuyển toàn bộ hoặc bộ phận trong từng cơ sở thể thao công lập thành cơ sở xã hội hóa, cơ sở công lập tự cân đối thu chi theo lộ trình: đến năm 2016: Trung tâm Bóng đá, Trung tâm Khai thác công trình thể dục - thể thao và 50% trung tâm thể thao cấp quận; và đến năm 2020: Bộ phận Y học thể thao thuộc Trung tâm đào tạo vận động viên, các trung tâm thể thao cấp quận và một số trung tâm thể thao cấp huyện ở những nơi có điều kiện. Đồng thời chuyển một số môn thể thao đang đào tạo tập trung thành các môn thể thao xã hội hóa hoặc tự cân đối thu chi trước năm 2016. Thực hiện xã hội hóa đào tạo bóng đá trẻ; thành lập mới các môn thể thao xã hội hóa Bi sắt, Bóng ném đến năm 2016.
KC