Xã hội hóa là một chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn xây dựng đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho con người, cho cộng đồng, để "giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa". Chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực hoạt động xã hội được thể hiện qua Nghị quyết số 90/CP ngày 21/ 8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và tiếp tục được điều chỉnh tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
Qua 15 năm triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa, công tác xã hội hoá trong lĩnh vực thể dục thể thao Hải Phòng đã thu được những kết quả khả quan. Đến nay, toàn bộ các đơn vị sự nghiệp thể dục - thể thao công lập đều đã hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 80% xã, phường, thị trấn và 100% quận, huyện đã thực hiện quy hoạch đất cho các công trình thể dục - thể thao, tuy nhiên, diện tích đất thể dục - thể thao bình quân đầu người trên địa bàn thành phố mới đạt 2,35m2/người. Một số địa phương đạt diện tích bình quân cao, như các huyện: Thủy Nguyên trên 4,5m2/người; Tiên Lãng, An Dương trên 3m2/người; nhưng cũng có địa phương đạt rất thấp, như quận Lê Chân 0,38m2/người.
Cùng với việc phát triển quy hoạch các công trình thể thao, hoạt động phong trào thể thao quần chúng cũng phát triển sâu, rộng. Đến nay, tỷ lệ dân số có tham gia hoạt động thể dục thể thao đạt 45%, trong đó tập luyện thể dục thể thao thường xuyên 28%. Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn đều có các hoạt động thể dục – thể thao phù hợp và thường xuyên tổ chức các giải thể thao của ngành, địa phương, đơn vị phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của mọi đối tượng. Nhiều môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển mạnh, đặc biệt là vào các dịp lễ, hội, những ngày tết cổ truyền, các dịp kỷ niệm của đất nước, thành phố, ngành, địa phương, đơn vị.
Việc phát triển TDTT quần chúng đã thúc đẩy thể thao thành tích cao thành phố Hải Phòng phát triển. Các môn thể thao trọng điểm của thành phố tiếp tục được UBND thành phố quan tâm đầu tư phát triển. Thành phố đã tập trung đầu tư cho 23 môn thể thao thành tích cao và giành khoản kinh phí lớn hỗ trợ cho môn bóng đá.
Thành phố đã phát triển một số môn thể thao theo phương thức xã hội hóa, như các môn: Khiêu vũ thể thao, Aerobic, Thể hình, Billiards Snooker, Bowling, Lướt ván, Đua thuyền truyền thống, Cờ tướng, Quần vợt, Bóng đá... Các môn này do các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đứng ra thành lập, quản lý các câu lạc bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; các vận động viên đến tập luyện có đóng góp kinh phí. Khi hình thành các đội tuyển tham dự các giải quốc gia, quốc tế, ngân sách thành phố hỗ trợ một phần kinh phí thi đấu, còn lại chủ yếu là do các câu lạc bộ, các hiệp hội, liên đoàn tự huy động thêm kinh phí.
Hiện trên toàn thành phố có 11 hội và liên đoàn thể thao cấp thành phố, gần 100 chi hội cơ sở; 2.355 câu lạc bộ thể dục - thể thao quần chúng; trong đó, có 4 đơn vị công lập, 2.351 đơn vị ngoài công lập, 390 cơ sở, tụ điểm thể dục - thể thao ở quận huyện. Về cơ sở vật chất, trên địa bàn thành phố có 26 bể bơi, 8 phòng tập Billiars, 81 sân quần vợt, 254 sân bóng đá, 545 sân bóng chuyền, 42 sân điền kinh, 10 sân bóng rổ, 15 sân vận động, 66 nhà tập luyện phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục - thể thao cho nhân dân .... Đặc biệt, thành phố có 2 sân Golf Đồ Sơn và Sông Giá từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với diện tích hơn 100ha, đang hoạt động tốt, thu hút hàng trăm lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xã hội hoá đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Hạn chế lớn nhất là tốc độ xã hội hoá còn chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng; mức độ phát triển xã hội hoá không đồng đều giữa các vùng miền và cả giữa các tỉnh, thành phố, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội như nhau. Công tác quản lý còn bất cập cả trong định hướng phát triển, quy hoạch và chỉ đạo thực hiện. Việc triển khai thực hiện còn chậm và nhiều lúng túng. Trong lĩnh vực TDTT, các cơ sở công lập chiếm tỷ trọng lớn vẫn áp dụng cơ chế quản lý hành chính, chậm đổi mới chưa phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm. Các cơ sở ngoài công lập chưa nhiều, cơ sở vật chất còn đơn sơ, nghèo nàn, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu.
Trước thực tế đó, trong thời gian tới để đẩy mạnh công tác xã hội hoá, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp để vừa bảo đảm định hướng phát triển, vừa khuyến khích, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao. Xây dựng cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao thể thao vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện để công tác xã hội hóa thực sự phát huy vai trò, động lực của nó trong quá trình đổi mới, phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp thể dục thể thao và tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả thể dục thể thao ở mức độ ngày càng cao.
KC