Với mục tiêu nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, gia đình và du lịch; đồng thời tạo sự đơn giản, thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức và đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản; rà soát thống kê, công bố công khai thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2015 của Bộ VHTTDL (theo Quyết định số 4009/QĐ-BVHTTDL). Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2015, công tác cải cách hành chính sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ Nhất, đó là việc cải cách thể chế, bằng việc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng chương trình, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 của Bộ; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn và các văn bản mới ban hành, hệ thống lại các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực và phổ biến rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân cùng thực hiện.
Thứ Hai, tập trung cải cách các thủ tục hành chính, trong đó thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính đối với văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính trước khi ban hành và kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Bên cạnh đó, tổ chức tốt việc tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân thông qua đó tiếp nhận các phản ánh về các quy định hành chính thủ tục hành chính không phù hợp, gây cản trở tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước để kịp thời, chủ động đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng các quy định hành chính, thủ tục hành chính.
Thứ Ba là cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, qua đó triển khai, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động. Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương đối với các vấn đề có tính trọng điểm, bứt phá nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, bảo đảm yêu cầu tiện lợi trong mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân; nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra công vụ ở cơ quan, đơn vị cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Thứ Tư là đẩy mạnh việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức theo yêu cầu vị trí công tác, sát với thực tế, đặc biệt là quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành. Tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý và sử dụng công chức, viên chức của Bộ nhằm từng bước đưa công tác quản lý đi vào nền nếp, khoa học, theo đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đội ngũ công chức, viên chức của Bộ trong những năm tiếp theo. Và tiến hành rà soát, hoàn chỉnh các quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Bộ để phù hợp với những quy định pháp luật hiện hành và thực tế hoạt động của Bộ trong giai đoạn hiện nay.
Thứ Năm, tiến hành cải cách tài chính công, hướng dẫn trong toàn ngành tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính ngân sách nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Dự toán, phân bổ, cân đối ngân sách nhà nước và quản lý chi tiêu được cải tiến để tạo sự chủ động và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ Sáu, đó là hiện đại hóa nền hành chính nhà nước bằng việc nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ và các đơn vị; nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin, chất lượng cổng thông tin điện tử của Bộ và trang website của các đơn vị thuộc Bộ. Rà soát điều chỉnh phù hợp lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ, ban hành văn bản hướng dẫn về quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Cuối cùng là tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, qua đó tăng cường vai trò trách nhiệm của tổ chức Đảng, đoàn thể, của lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng đơn vị đối với công tác cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trên trang thông tin điện tử của Bộ và Website của các đơn vị, các Báo, Tạp chí của ngành và trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng. Kiện toàn, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính của Bộ và các tổ chức trực thuộc Bộ; đồng thời có chế độ phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính.
KC