You must configure this module first via "Module Settings"

Đà Nẵng với những mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2020

Trong thời gian gần đây, thành phố Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh ở Việt Nam, đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu hoạt động TDTT của xã hội cũng tăng theo, mức độ đầu tư cho TDTT, đặc biệt là thể thao thành tích cao được thành phố và các tổ chức kinh tế xã hội quan tâm đầu tư về nhiều mặt.

Xác định được việc phát triển thể thao thành tích cao là góp phần phát triển nhân tài thể thao ở Tp. Đà Nẵng nói riêng và toàn ngành Thể thao nói chung, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020. Với những mục tiêu cụ thể được đặt ra, Chiến lược được coi là nền tảng để tạo nên bước đột phá dài về thành tích của Thể thao thành tích cao Tp. Đà Nẵng trong những năm tới. 

Mục tiêu chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020 của Tp. Đà Nẵng là nhằm xây dựng và phát triển nền thể thao thành tích cao ổn định, vững chắc; đội ngũ HLV, VĐV có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn cao; phấn đấu đạt vị trí một trong 5 đơn vị dẫn đầu trong các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, đóng góp nhiều VĐV cho các đội tuyển quốc gia và đạt thành tích cao tại các giải thể thao khu vực Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế.

Đồng thời, đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nâng cao thành tích thi đấu thể thao, tăng cường hội nhập với nền thể thao trong nước và quốc tế, tiến tới thu hẹp khoảng cách trình độ đối với các đơn vị mạnh trong toàn quốc như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quân đội…

Mục tiêu cụ thể mà chiến lược đặt ra được chia thành các giai đoạn: giai đoạn từ 2011 - 2015, tham dự các giải quốc gia đạt khoảng 840 HCV, 880 HCB, 920 HCĐ; 310 VĐV đạt cấp kiện tướng, 344 VĐV cấp I quốc gia; tham dự các giải quốc tế đạt khoảng 130 HCV, 60 HCB, 70 HCĐ; có 94 VĐV trong thành phần đội tuyển quốc gia, 88 VĐV đội tuyển trẻ quốc gia. Đội Bóng đá chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng giữ vững vị trí 1 trong 5 đội dẫn đầu giải vô địch Bóng đá quốc gia hàng năm.

Trong năm 2014, tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII với lực lượng từ 400 - 450 VĐV của 26 - 30 môn thể thao phấn đấu đạt 45 - 50 HCV, xếp hạng từ 4 - 5 đơn vị dẫn đầu tại Đại hội. Giai đoạn từ 2015 - 2020, tham dự các giải quốc gia đạt khoảng 1080 HCV, 1100 HCB, 1180 HCĐ; 394 VĐV cấp kiện tướng, 448 VĐV cấp I quốc gia; tham dự các giải quốc tế đạt khoảng 170 HCV, 90 HCB, 100 HCĐ; có 146 VĐV trong thành phần đội tuyển quốc gia, 146 VĐV đội tuyển trẻ quốc gia. Đội Bóng đá chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng giữ vững vị trí 1 trong 4 đội dẫn đầu giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia hàng năm, Đội bóng đá hạng nhất lên tham dự giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2015 - 2020 có tới 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc dự kiến sẽ diễn ra, chính vì vậy mục tiêu trong năm 2018, 2022 Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII, XIX, Tp. Đà Nẵng dự kiến sẽ cử đoàn VĐV tham dự với lực lượng khá hùng hậu từ 450 - 500 VĐV của 26 - 30 môn thể thao phấn đấu đạt 50 - 55 HCV, phấn đấu là 1 trong 4 đơn vị dẫn đầu Đại hội.

Với xu thế phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam, để thể thao thành tích cao Đà Nẵng phát triển tương xứng, ngành TDTT Đà Nẵng xác định rõ cần tập trung phát triển các môn thể thao trong chương trình thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc, lấy việc nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên một cách bền vững làm mục tiêu chính; nâng cao thành tích ở một số môn có thế mạnh, đầu tư những vận động viên ưu tú để đóng góp cho thể thao Việt Nam thi đấu đạt thành tích cao ở đấu trường khu vực và quốc tế.

Cụ thể như: cần phải phát triển từ 26 - 30 môn thể thao với khoảng 110 HLV và 750 VĐV các môn, trong đó ưu tiên những môn cơ bản trong chương trình Olympic và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) như: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Bóng đá, Đua thuyền Rowing, Canoeing, phát triển một số môn thể thao mới phù hợp với điều kiện Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, quan tâm, tới công tác xây dựng hệ thống phát hiện, tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao từ cấp cơ sở, quận, huyện đến thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của vận động viên. Thí điểm thực hiện cơ chế chuyên nghiệp ở một số môn thể thao khi có đầy đủ các điều kiện cần thiết.

Thường xuyên, chú trọng tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ cho lực lượng huấn luyện viên, hướng dẫn viên, phấn đấu có khoảng từ 40 - 50 huấn luyện viên đạt trình độ huấn luyện viên chính, huấn luyện viên cao cấp đào tạo được vận động viên đạt thành tích cao tại các giải vô địch quốc gia và quốc tế.

N. H

 

Ảnh trong bài
  • Đà Nẵng với những mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2020