You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Giang nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển TDTT tỉnh giai đoạn 2005 - 2015

Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc, vùng đất miền sơn cước giữa mây mù bao phủ vẫn chưa thoát khỏi ngưỡng cửa của cái nghèo nhưng trong tương lai đang hứa hẹn một sự phát triển bền vững bằng những chiến lược đầu tư thiết thực. Trong đó, phải kể đến sự quan tâm của các cấp ủy đảng đối với sự nghiệp phát triển TDTT tỉnh nhà.

Kể từ khi chiến lược phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Hà Giang (2005-2015) và đề án phát triển Thể thao thành tích cao giai đoạn( 2005-2015) được ban hành, phong trào TDTT cho mọi người đã được phát triển sâu, rộng tại các huyện, thành phố trong tỉnh với nhiều môn thể thao phổ thông, thu hút đông đảo đối tượng tham gia luyện tập TDTT thường xuyên. Các trò chơi dân gian, Thể thao dân tộc tại các bản, làng người dân tộc thiểu số được khơi dậy, bảo tồn, phát triển.

Do vậy, phong trào TDTT ở tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ sau mỗi chu kỳ tổ chức Đại hội TDTT các cấp. Điều này đã góp phần xây dựng cho Hà Giang những con người khỏe về thể chất và tinh thần, từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đối với các môn Thể thao thành tích cao như: Pencaksilat, Wushu, Bóng ném, Vovinam... được ưu tiên tập trung đào tạo với chế độ áp dụng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ tài chính. 

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 21,2% số người tập luyện TDTT thường xuyên; 9,3% số gia đình luyện tập TDTT thường xuyên; 1313 điểm, nhóm luyện tập có tổ chức. Công tác xã hội hóa TDTT bước đầu thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia. Từ nền tảng của phong trào TDTT cơ sở, Hà Giang có nhiều nhân tố trẻ, là tiềm năng để có thể khai thác, tuyển chọn lực lượng VĐV có tố chất, năng khiếu đưa vào chương trình đào tạo thành những VĐV thể thao thành tích cao.  Bước đầu, Hà Giang đã xây dựng được đội ngũ VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh với khoảng 60-70 VĐV được tập trung có chế độ.

Trong gần 10 năm qua kể từ năm 2005 - 2013, Thể thao thành tích cao Hà Giang đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, thể hiện qua các giải đấu toàn quốc và các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, môn Pencaksilat giành 09 HCV, 21 HCB, 51HCĐ; môn Wushu giành 03HCV, 10 HCB, 23 HCĐ; môn Vật tự do giành: 03HCV, 05HCB, 31HCĐ; môn Bóng ném giành 02 HCB, 11 HCĐ với tổng số 15 HCV, 38 HCB, 116 HCĐ….

Điều đó, cho thấy Thể thao thành tích cao Hà Giang đang từng ngày phát triển, khẳng định vị thế của mình trên toàn quốc. Bên cạnh, những thành tích đạt được, TDTT Hà Giang vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như: đội ngũ cán bộ TDTT từ tỉnh tới các cấp huyện còn thiếu và yếu, đặc biệt hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu luyện tập, thi đấu TDTT các cấp còn nghèo nàn. Tại cấp tỉnh, các công trình TDTT chưa đầy đủ và đạt chuẩn để có thể đáp ứng yêu cầu tập luyện các môn Thể thao thành tích cao, cũng như tổ chức được các giải Thể thao quy mô toàn quốc.

Từ khi UBND tỉnh ban hành Chiến lược 17/UB- CLTDTT (2005- 2015) nhằm xây dựng các hạng mục cơ bản này, song đến nay đã gần 10 năm, hệ thống cơ sở vật chất TDTT cấp tỉnh vẫn chưa được cải thiện. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất TDTT cấp tỉnh mới chỉ có: 1 sân vận động chưa đạt chuẩn, hầu hết các nhà tập luyện TDTT trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp… Thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thiện, nâng cấp một số hạng mục công trình như sân vận động C10, xây dựng bể bơi của tỉnh, hoàn thiện đường chạy 400m, đảm bảo tiêu chuẩn mặt sân; xây dựng thêm 1 sân vận động tầm cỡ quốc gia trên địa bàn tỉnh. Có như vậy, việc phát triển thể thao thành tích cao ở Hà Giang sẽ mở rộng được nhiều môn thể thao hiện đại, từ đó tạo nguồn lực lượng VĐV tham dự các giải thể thao khu vực và toàn quốc.

Vẫn biết rằng, việc xây dựng các công trình TDTT trọng điểm như trên sẽ vô cùng khó khăn đối với một tỉnh miền núi đang trong tiềm lực kinh tế còn nghèo. Song, để hoàn thiện những hệ thống cơ sở vật chất như trên Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Sở VHTTDL tỉnh cần dành nhiều sự quan tâm và đồng lòng hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Hà Giang từng bước có được 3 công trình TDTT trọng điểm: SVĐ, Nhà thi đấu, Bể bơi bằng nhiều nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương cũng như vận động xã hội hóa. Có lẽ, từ việc quan tâm đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất TDTT, Hà Giang sẽ có điều kiện tổ chức, đăng cai các giải thể thao toàn quốc, quốc tế, qua đó sẽ là "đòn bẩy” thúc đẩy TDTT của tỉnh phát triển mạnh mẽ, bắt kịp với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

N. H

Ảnh trong bài
  • Hà Giang nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển TDTT tỉnh giai đoạn 2005 - 2015