Nhằm nâng cao sức khoẻ nhân dân, thúc đẩy hơn nữa công cuộc xây dựng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát triển phong trào thể dục thể thao rộng khắp. Bởi lẽ, Người nắm rõ vai trò và tác dụng của thể dục thể thao trong việc giữ gìn và tăng cường sức khoẻ cho toàn dân. Người đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể để giáo dục, rèn luyện thể chất cho con người Việt Nam.
Giải pháp trước nhất đó là phát động phong trào rèn luyện sức khoẻ trong toàn dân
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của sức khoẻ đối với nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước, nên khi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, chính quyền Cách mạng mới cùng lúc phải đối phó với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14 về việc thành lập Nha thể dục Trung ương. Để kêu gọi toàn dân hưởng ứng và nhận thấy rõ tác dụng của thể dục thể thao đối với sức khoẻ, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Sức khoẻ và thể dục" đăng trên báo Cứu Quốc.
Bài viết của Người như một lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Người viết "giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khoẻ mạnh, tức là cả nước khoẻ mạnh... Dân cường thì quốc thịnh". Vì thế, để đất nước ngày phát triển, theo Hồ Chí Minh "luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước". Người kêu gọi đồng bào tập thể dục, thực chất là rèn luyện thân thể bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú, tuỳ điều kiện sức khoẻ, lứa tuổi, thời gian, công việc, hoàn cảnh của mỗi người. Đó là việc làm đơn giản, không tốn kém, khó khăn, thường xuyên, hằng ngày lúc ngủ dậy, nhằm làm cho khí huyết lưu thông, tinh thàn đầy đủ nhưng lại thể hiện tinh thần yêu nước "Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được".
Phát triển giáo dục thể chất của thế hệ trẻ trong hệ thống giáo dục quốc dân
|
Giáo dục thể chất trong trường học giúp các em phát triển toàn diện (Ảnh: VD) |
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong chương trình của mặt trận Việt Minh, khi đề ra 10 chính sách cần thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới chủ trương phát triển giáo dục quốc dân mới, trong đó có giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ "khuyến khích nền thể dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh" và "Nhi đồng được chính phủ săn sóc đặc biệt về thể dục và trí dục". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền giáo dục mới nhằm phát triển thế hệ trẻ về mọi mặt "một nền giáo dục sẽ đào tạo các em trở thành những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của các em. Trong nền giáo dục ấy, Người coi trọng tất cả các mặt đức ,trí, thể, mỹ, cần phải chú trọng ở nhà trường.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục thể chất thế hệ trẻ ngày càng có tầm quan trọng. Nhà trường và xã hội có trách nhiệm chăm lo tới sự phát triển toàn diện thế hệ trẻ. Bởi lẽ, giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục toàn diện chính là nhằm đảm bảo cho tuổi trẻ có sức khoẻ để học tập tốt hơn. Để phát triển giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời với việc phát động phong trào thể dục, thể thao trong toàn dân, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục Trung ương thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Sự ra đời của Nha Thanh niên và Thể dục là tiền đề cho sự phát triển giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tăng cường sức khoẻ cho thế hệ trẻ tương lai.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao
Để TDTT làm tròn nhiệm vụ nâng cao sức khoẻ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao. Theo Người: cán bộ là gốc của mọi việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Vì vậy, để có phong trào TDTT phát triển cần phải có đội ngũ cán bộ vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có năng lực công tác tốt và hăng say công việc. Người đã chỉ đạo Nha Thể dục Trung ương, Bộ Thanh niên và Bộ Giáo dục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Thể dục Thể thao mang tên Hồ Chí Minh. Đối với cán bộ thể dục thể thao, Người vạch rõ "Cán bộ thể dục thể thao phải học chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác".
Phát triển Thể thao thành tích cao
Để dân tộc Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người dân Việt Nam trên mọi lĩnh vực đều phải quyết tâm phấn đấu không ngừng trong lao động, công tác và học tập. Ở lĩnh vực Thể dục thể thao, để tăng cường sức khoẻ nhân dân và vươn ra thế giới, bên cạnh việc phát triển phong trào TDTT trong nước, Người chú trọng tới việc phát triển Thể thao thành tích cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích phát triển các môn thể thao dân tộc nhằm phát huy truyền thống, tin thần tự tôn, bản sắc văn hoá dân tộc và tạo tiềm năng ngày càng lớn cho thể thao Việt Nam; đồng thời chúng ta cũng cần học tập, phát triển các môn thể thao hiện đại để làm giầu nền thể thao dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đi xa, nhưng tư tưởng, lời dạy của Người về các biện pháp để giáo dục thể chất, tăng cường sức khoẻ cho nhân dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Thấm nhuần lời dạy của Người, các thế hệ cán bộ ngành TDTT đã, đang và sẽ luôn nỗ lực hết mình để Thể thao Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập cùng thế giới.
VD