You must configure this module first via "Module Settings"

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục thể chất đối với tuổi trẻ học đường

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin, sự quan tâm đặc biệt vào thế hệ trẻ. Tuổi trẻ gắn liền với tiền đồ, tương lai của đất nước, dân tộc. Theo quan niệm của Người "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Bởi vậy, Người rất quan tâm đến việc giáo dục toàn diện " trí, đức, thể, mỹ" cho thế hệ trẻ Việt Nam. Trong đó, việc giáo dục thể chất là điều kiện để phát huy các mặt giáo dục khác đạt hiệu quả cao nhất.

Trong bối cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, ngay cả các em thiếu niên cũng bị vắt kiệt sức lao động. Sự tàn tạ về sức khoẻ, lạc hậu về văn hoá, yếu kém về trí tuệ của nhân dân ta, nhất là đối với thanh niên Việt Nam khiến Người luôn day dứt, thôi thúc tìm con đường cách mạng để đem lại quyền sống, quyền làm người cho nhân dân mà trong đó, sức khoẻ là một trong những quyền sống cơ bản nhất và cao nhất của con người.

Vào những năm 1910-1911, khi làm thầy giáo tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh có nhãn quan mới về giáo dục để phát triển hài hoà các mặt đạo đức, tri thức và thể chất cho học sinh. Bên cạnh việc dạy hán văn và quốc ngữ, là giáo viên trẻ nhất trường, thầy Nguyễn Tất Thành còn được phân công dạy thể dục cho học sinh toàn trường. Người luôn nhắc nhở học sinh "Cái quý nhất của con người là sức khỏe. Các em chịu khó tập thể dục là giữ gìn cái quý báu nhất của con người:". Nói là làm, mỗi buổi sáng thầy Nguyễn Tất Thành hướng dẫn học sinh tập thể dục, nhảy cao, nhảy xa, kéo xà đơn, chơi bóng rổ, rồi thì luyện đôi chân bằng cách đi bộ ra bãi biển Thương Chánh để tập Bơi....Việc dạy thể dục cho học sinh trong trường thực sự là việc làm có tính chất cách mạng đối với nền giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 1941, sau khi ra đi tìm đường cứu nước trở về, một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Người là vấn đề giáo dục thế hệ trẻ. Trong 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, đã đề cập đến việc xây dựng nền giáo dục quốc dân mới, trong đó có giáo dục thể chất"khuyến khích  nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày càng thêm mạnh" và "Nhi đồng được chính phủ săn sóc đặc biệt về thể dục và trí dục"!

Cách mạng tháng Tám thành công, với cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ và các cơ quan chức năng bốn việc cần quan tâm đó là: công tác phòng bệnh, công tác thể dục thể thao, công tác vệ sinh và thực hiện đời sống mới. Người cho rằng: việc xây dựng nước nhà, gây đời sống mới việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Trong nền giáo dục cách mạnh, Hồ Chí Minh coi trọng tất cả các mặt đức, trí, thể, mỹ. Người chỉ rõ, giáo dục thể chất là một mặt cần thiết, quan trọng như các mặt giáo dục khác. Hơn nữa, giáo dục thể chất được Người đưa lên hàng đầu chính là nói lên vai trò tiền đề của giáo dục thể chất đối với tất cả các mặt khác, bởi nó đem lại cho tuổi trẻ sức khoẻ - vốn quý báu nhất của con người.

Ngày 27/6/1946, Người ký sắc lệnh thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục ra đời nhằm triển khai công tác giáo dục thể chất trong học sinh, thanh thiếu niên cả nước. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của nền thể dục thể thao cách mạng. Từ đó đến nay, công tác giáo dục thể chất trong tuổi trẻ học đường không ngừng được quan tâm và phát triển. Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người từng căn dặn "Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh. Khỏe mạnh thì mới có dủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân"...

Giáo dục thể chất cho tuổi trẻ trong nhà trường phải gắn liền với việc rèn luyện thể chất còn được thực hiện ngoài trường học, bằng các động tác, bài tập hoặc những môn thể thao phù hợp. Hai hình thức đó rất cần thiết đối với giáo dục và rèn luyện tuổi trẻ, đều cùng mục tiêu là phát triển thể chất cân đối, nâng cao thể lực. Trong hai hình thức đó, Người nhấn mạnh, giáo dục thể chất trong nhà trường là cơ bản, vì nó gắn liền với các mặt giáo dục trí dục, đức dục, cho độ tuổi thiếu nhi và thanh niên; đồng thời giáo dục và rèn luyện thể chất gắn cùng với biện pháp giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, có tác dụng thiết thực đến việc bảo vệ sức khoẻ, tăng cường thể lực, nâng cao tầm vóc cho tuổi trẻ học đường.

Gần 7 thập kỷ đã đi qua, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hiện đại và hội nhập quốc tế.

VD 

Ảnh trong bài
  • Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục thể chất đối với tuổi trẻ học đường