Đến nay, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực sự đi vào chiều sâu. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu về sinh hoạt văn hóa tinh thần, trong đó có việc tập luyện TDTT của người dân trong tỉnh ngày càng tăng. Phong trào TDTT đến nay phát triển cả về số lượng và chất lượng, các môn thể thao dân tộc dần được khôi phục. Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 22% số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; 12,6% số gia đình trong tỉnh đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện TDTT tuyến huyện về cơ bản đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tập luyện của người dân trên địa bàn.
Cùng với thể thao quần chúng, phong trào TDTT trong khối các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh khá phát triển cũng là một điểm mạnh của Lâm Đồng; công tác giáo dục thể chất trong trường học ngày càng được chú trọng, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng để phát triển TTTTC, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Cho đến nay, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng đã có các văn bản liên tịch phối hợp hoạt động với rất nhiều ngành, đơn vị như: Giáo dục – Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Báo Lâm Đồng, Hội Nông dân tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Công đoàn Viên chức… Nhiều hoạt động được tổ chức ở các cơ quan, đơn vị đã góp phần không nhỏ cho phong trào TDTT quần chúng phát triển theo hướng bền vững.
|
Các võ sinh thuộc Võ đường Thiếu lâm Phật Gia quyền - Đà Lạt đang tập luyện võ thuật. Ảnh: N.Đ
|
Trên cơ sở phong trào TDTT quần chúng, TTTTC Lâm Đồng có nhiều điều kiện hơn trong tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu nhằm bổ sung lực lượng VĐV cho các đội tuyển tham gia thi đấu các giải quốc gia và quốc tế.
Trong chiến lược phát triển TDTT của tỉnh, Lâm Đồng đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 như tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên của tỉnh phải đạt từ 28% - 30% trên tổng dân số; tỷ lệ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên từ 18% - 20% trên tổng số hộ dân; hằng năm có từ 45 - 50 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức; tất cả các trường học phổ thông đưa sinh hoạt TDTT vào nội khóa và ngoại khóa; 100% cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang khi kiểm tra sức khỏe đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe; quỹ đất dành cho TDTT đạt từ 4m2-5m2/người dân khu vực nông thôn và từ 3m2- 4m2/người dân ở khu vực thành thị.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thể thao Lâm Đồng trong thời gian tới là phải xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng để đảm bảo cho các hoạt động TDTT từ tỉnh đến cơ sở. Trước mắt sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng SVĐ của tỉnh tại Khu Liên hợp Thể thao phường 7 - Đà Lạt, đồng thời xây dựng thêm một số công trình thể thao trọng điểm ở các huyện, làm vệ tinh cho tập luyện và thi đấu.
Tuy nhiên, khó khăn trước mắt vẫn là kinh phí dành cho việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo VĐV trẻ; chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền thưởng, chính sách hướng nghiệp... điều này đã dẫn đến tình trạng không thu hút được các tài năng thể thao để cống hiến cho sự nghiệp thể thao tỉnh nhà. Bên cạnh đó, định mức phân bổ chi cho sự nghiệp TDTT còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về thành tích cũng như sự nghiệp phát triển TDTT tỉnh nhà.
Trước những khó khăn và thách thức của TTTTC Lâm Đồng, ngành VHTTDL đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, nhằm mục tiêu nâng cao thành tích của Thể thao Lâm Đồng trên các đấu trường trong nước và khu vực. Hiện nay, ngành VHTTDL đang triển khai việc đào tạo, huấn luyện theo hướng trọng điểm, trọng tâm. Trong đó, xác định rõ những môn thể thao mũi nhọn của tỉnh để tập trung đầu tư, giải pháp này đã phần nào mang lại những kết quả tốt cho TTTTC Lâm Đồng, khi một loạt VĐV trẻ được đầu tư trọng điểm đã giành được nhiều thành tích cao trên đấu trường khu vực và trong nước, điển hình như các môn: Cờ vua, Võ thuật cổ truyền, Điền kinh, Thể dục thể hình…
Đồng thời, từng bước nâng cao chế độ đãi ngộ hợp lý đối với lực lượng HLV, VĐV. Cần tăng cường hơn nữa tính thống nhất của hệ thống đào tạo tài năng thể thao tỉnh nhà, từ công tác tuyển chọn, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao... nhằm thu hút nhiều hơn nữa các tài năng thể thao để nâng cao thành tích thi đấu, đưa TTTTC Lâm Đồng nằm trong tốp đầu khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền núi.
Thanh Truyền