Theo đó, trong chiến lược chỉ rõ tổng mức đầu tư dành cho phát triển Thể dục, Thể thao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được xác định trong quy hoạch ước khoảng 18.200 đến 19.500 tỷ đồng; trong đó, thành phố sẽ triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động các nguồn vốn, có cơ chế, chính sách cụ thể đối với từng phân đoạn đầu tư, các hình thức đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn ODA và trợ giúp quốc tế.
Ước tính, tổng nhu cầu đất quy hoạch cho Thể dục, Thể thao của Hà Nội đến năm 2020 là 1.834 ha và đến năm 2030 vào khoảng 4.000 ha. Đến năm 2020, đất dành cho hoạt động Thể dục, Thể thao đạt chỉ số 2,3-2,5 m2/người, đến năm 2030 khoảng 4 m2/người. Để thực hiện hiệu quả việc quy hoạch dành đất cho Thể dục, Thể thao, Hà Nội ưu tiên dành diện tích đất để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, diện tích đất xen kẹt cho hoạt động Thể dục, Thể thao. Cùng với đó, đến năm 2020, tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần có đủ 3 công trình Thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn gồm sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi. Ngoài ra, đối với mỗi trường mầm non có phòng tập và sân tập với diện tích khoảng 150 - 200 m2, các trường phổ thông đều có sân tập, nhà giáo dục thể chất.
Các chỉ số mà mục tiêu Thể thao Hà Nội hướng đến năm 2030 phấn đấu đạt mức 46% dân số tập luyện Thể dục Thể thao thường xuyên, đạt mức 40% tổng số hộ gia đình Thể thao vào năm 2030. Ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao, Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội tổ chức các sự kiện Thể thao lớn mang tầm quốc tế tạo "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển của Thể thao Thủ đô cũng như của cả nước. Mục tiêu, đến năm 2015, có trên 3.500 VĐV, trong đó có 850 VĐV đỉnh cao và đến năm 2030, sẽ có trên 5.000 VĐV, trong đó có 1.500 VĐV đỉnh cao, luôn là địa phương cung cấp lực lượng VĐV chính cho các đội tuyển quốc gia tham gia tranh tài tại các sự kiện Thể thao quốc tế quan trọng.
Nhằm thực hiện thành công những chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược quy hoạch phát triển Thể dục Thể thao Tp. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã đề ra một số danh mục các đề án, dự án bổ trợ, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này như: đề án đào tạo VĐV Thể thao thành tích cao cho Asiad 2019 và Olympic 2016, Olympic 2020, gần nhất là Asiad 17 vào năm 2014; dự án nâng cấp, đồng bộ hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu của các công trình thể thao trọng điểm.
Cùng với đó, Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, nhằm khuyến khích phát triển các cơ sở Thể dục Thể thao ngoài công lập, các tổ chức xã hội về Thể dục Thể thao. Điều đó, được thể hiện rõ nét trong việc Hà Nội đã và sẽ ban hành các chính sách khuyến khích tổ chức cá nhân thành lập các CLB TDTT chuyên nghiệp và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp; khuyến khích hoạt động tài trợ, kinh doanh dịch vụ và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp. Duy trì và khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức đang đầu tư xã hội hóa các cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ các hoạt động thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Đồng thời, phát triển hệ thống Liên đoàn, Hiệp hội TDTT; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội TDTT; Chuyển giao từng bước các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực TDTT cho các Liên đoàn, Hiệp hội TDTT. Cùng với đó, Thành phố Hà Nội sẽ thành lập các liên đoàn, hiệp hội, hướng đến tối thiểu 50% các môn thể thao của Thành phố Hà Nội có Liên đoàn và Hiệp hội cấp Thành phố. Tiến tới triển khai mô hình đào tạo VĐV thể thao thành tích cao theo mô hình cung ứng dịch vụ tại các cơ sở đào tạo công lập cũng như ngoài công lập. Tiến tới năm 2030 các môn thể thao của Hà Nội đảm bảo đặt dưới sự điều hành về mặt chuyên môn của các Liên đoàn Thể thao theo kế hoạch và điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao địa phương.
N. H