Với quan điểm phát triển TDTT gắn với xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tăng cường thể lực, tăng tuổi thọ con người Vĩnh Phúc. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng đồng, chuẩn hóa, tiên tiến và hiện đại, phù hợp với yêu cầu hội nhập trong nước và quốc tế. Mục tiêu của chiến lược hướng tới là phát triển TDTT với nhiều loại hình đa dạng, phong phú.
Tiêu biểu có thể kể đến như: đẩy mạnh phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", gắn với yêu cầu xây dựng đời sống văn hoá, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Vĩnh Phúc và tập trung đầu tư cho TDTT trường học, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng công tác giáo dục thể chất cho học sinh. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, ưu tiên đầu tư phát triển những môn thể thao có thế mạnh, phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm TDTT mạnh của vùng và cả nước. Chú trọng công tác xã hội hoá TDTT, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho TDTT; phát triển sự nghiệp TDTT tương xứng với vị trí, tiềm năng, tốc độ và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo đó, chỉ tiêu cụ thể của chiến lược đặt ra ở từng giai đoạn ứng với các năm 2015, 2020 và 2030, đối với Thể thao quần chúng: số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30%, 35 - 37%, 45 - 47% dân số; số gia đình thể thao đạt 23%, 27 - 28%, 32 - 35 %; số CLB, nhóm tập luyện TDTT cơ sở đạt 450, 600, 750; đến năm 2015 số xã, phường, thị trấn có cán bộ hướng dẫn viên được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ về TDTT đạt 100%; đến năm 2015 cán bộ chiến sỹ kiểm tra đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực 100%, số môn thể thao trong lực lượng vũ trang từ 6 - 10 môn và đến năm 2023 đạt trên 80% tổng số trường.
Về thể thao thành tích cao: từng bước nâng cao thành tích thi đấu thể thao ở các kỳ Đại hội trong nước; cung cấp lực lượng vận động viên cho quốc gia ở một số môn thể thao thế mạnh và phấn đấu đạt huy chương Đông Nam Á ở một số môn thể thao. Đến năm 2015 phấn đấu đưa TDTT Vĩnh Phúc giành thứ hạng cao ở Vùng đồng bằng sông Hồng, xếp thứ hạng từ 15-20/65 tỉnh, thành, ngành tại các Đại hội TDTT toàn quốc. Đến năm 2020 phấn đấu xếp thứ hạng 10-15/65. Đến năm 2030 xếp trong top 10 cả nước.
Để sớm hoàn thành được các chỉ tiêu đặt ra, thì việc đồng bộ hóa về cơ sở vật chất TDTT là điều thiết yếu và vô cùng quan trọng, do đó ngành TDTT Vĩnh phúc cũng đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu về cơ sở hạ tầng, tranh thiết bị phục vụ thi đấu, tập luyện hết sức cụ thể như: đến năm 2015 cơ bản hoàn thành Khu Liên hợp thể thao tỉnh, đến năm 2020 hoàn thành xây dựng Khu đào tạo VĐV; đối với cấp cơ sở , đến năm 2015, 100% các huyện có sân vận động và nhà tập luyện TDTT, đến năm 2020 có 100% các huyện có bể bơi, hoàn thiện 100% các thiết chế về cơ sở vật chất văn hóa - thể thao cho các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố...
Ngoài ra, kinh phí và dịch vụ TDTT, giai đoạn 2011 - 2015 nhà nước đầu tư kinh phí cho sự nghiệp TDTT khoảng 0,7 - 0,8 % tổng chi ngân sách tỉnh/năm; giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 0,8 - 0,9 %, giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 0,9 - 1%, giai đoạn 2011 - 2015 từng bước chuyển các cơ sở TDTT công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, các cơ sở thể thao ngoài công lập đáp ứng 30 - 40% nhu cầu dịch vụ TDTT; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 40 - 50%; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 60 - 70%.
Cùng với việc đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu, chiến lược cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường cơ chế, chính sách TDTT, xã hội hóa TDTT, đào tạo nguồn nhân lực cho TDTT, khoa học công nghệ TDTT và hợp tác phát triển TDTT, vốn đầu tư...
Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; phổ biến các thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về thời cơ, thách thức, các cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực TDTT. Phổ biến các kiến thức, quy định hiện hành của hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế; tạo sự nhận thức, hiểu biết đầy đủ và thống nhất cho toàn bộ cán bộ trong ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các đối tượng có liên quan, nâng cao tính tích cực, chủ động của mỗi cá nhân trong quá trình tham gia vào sự nghiệp phát triển TDTT Vĩnh Phúc trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đặc biệt, vận động các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển TDTT. Qua đó, nhằm thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, xây dựng tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình về TDTT.
Hy vọng, với chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh Vĩnh phúc sẽ tạo đà cho Thể thao Vĩnh Phúc phát triển mạnh, xa hơn trong những năm tiếp theo.
N. H