Mục tiêu sát thực ...
Để có hướng phát triển phù hợp ở từng giai đoạn so với tình hình phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Hưng Yên đã đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu rất cụ thể như: Đến năm 2015, đối với thể thao quần chúng phấn đấu có 28% số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình tập luyện thể thao đạt 22%, đến năm 2020 là 33% và 25%; số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt 100% và số trường học phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá đạt 50%, năm 2020 là 60%; số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 75%, năm 2020 đạt từ 85 - 90%; số cán bộ, chiến sỹ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 90%, năm 2020 đạt 95%.
Đối với thể thao thành tích cao, hàng năm đều vượt chỉ tiêu, kế hoạch về số huy chương tại các giải thể thao quốc gia, quốc tế: Năm 2012: 90 huy chương; năm 2013: 100 huy chương; năm 2014: 110 huy chương; năm 2015: 120 huy chương. Số huy chương vàng phấn đấu năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2015, đội Bóng chuyền nữ của tỉnh lên hạng đội mạnh toàn quốc, Đội Bóng đá nhi đồng thi đấu vòng hai toàn quốc. Song song với đó là đầu tư nâng cấp, trang bị mới các cơ sở vật chất trang thiết bị phục vị tập luyện và thi đấu thể thao. Cụ thể năm 2012 triển khai các bước theo Quy hoạch chi tiết Khu liên hợp Thể dục thể thao của tỉnh đã được phê duyệt. Năm 2015 hoàn thành Nhà thi đấu đa năng của tỉnh và thực hiện tiếp các bước Quy hoạch chi tiết Khu liên hợp Thể dục thể thao của tỉnh; trên 30% huyện, thành phố có nhà luyện tập và thi đấu thể thao; trên 70% xã, phường, thị trấn bố trí được đất cho hoạt động thể dục, thể thao và có các phòng tập, sân bãi thi đấu cho một số môn thể thao.
Bước sang giai đoạn 2015 - 2020, đây được xem là giai đoạn quan trọng tạo bước đột phá phát triển của toàn ngành TDTT tỉnh Hưng Yên, bởi lẽ trogn thời điểm này tại Việt Nam cũng như quốc tế có nhiều sự kiện thể thao quan trọng, do đó tỉnh Hưng Yên đã xây dựng lộ trình phấn đấu cụ thể cho từng năm gồm: Năm 2016: 125 huy chương; năm 2017: 130 huy chương; năm 2018: 135 huy chương; năm 2019: 140 huy chương; năm 2020: 150 huy chương... Ngoài ra, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu thể thao, sẽ hoàn thành việc xây dựng sân vận động, khu thể thao dưới nước và công trình thể thao trong quy hoạch chi tiết khu liên hợp TDTT của tỉnh; 100% huyện, thành phố có nhà luyện tập, thi đấu thể thao và dành đất cho sân vận động; trên 50% xã, phường, thị trấn có nhà tập luyện và sân hoạt động TDTT.
...Giải pháp thực hiện phù hợp
Có thể, các chỉ tiêu đặt ra được xem như khá phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hưng Yên ở hiện tại cũng như tương lai và nếu tiến trình thực hiện đề án diễn ra thành công thì TDTT Hưng Yên hẳn sẽ có bước chuyển mình đáng kể ở cả thành tích cao cũng như thể thao quần chúng. Do vậy, để chiến lược đi đến thành công và mang lại hiệu quả cao, Hưng Yên đã đưa ra các giải pháp thực hiện rất phù hợp, trong đó tập trung vào một số các giải pháp trọng tâm như: Đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị '' Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về Thể dục, Thể thao đến năm 2020". Đưa nhiệm vụ phát triển TDTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và chỉ đạo tổ chức thực hiện phát triển sự nghiệp TDTT ở địa phương, đơn vị mình.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị và Đề án phát triển sự nghiệp TDTT Hưng Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên các kênh thông tin, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện và cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tác dụng của công tác thể dục thể thao. Động viên, khen thưởng kịp thời những địa phương, cơ sở thực hiện tốt Đề án, đồng thời phê phán những địa phương, cơ sở triển khai chậm và hoạt động kém hiệu quả. Tập trung nguồn kinh phí của tỉnh, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong việc xây dựng các công trình thể thao và phát triển sự nghiệp TDTT. Huy động các nguồn lực trong xã hội để xây dựng các công trình thể thao, nhất là ở các xã, phường, thị trấn, thôn làng, khu phố trên địa bàn tỉnh. Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Đặc biệt, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý TDTT; đổi tên Trường Nghiệp vụ TDTT thành trường năng khiếu TDTT của tỉnh hoặc chuyển đổi sang hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; tiếp tục tăng cường đội ngũ cán bộ, HLV có chất lượng của tỉnh để làm tốt công tác huấn luyện VĐV tham gia thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế đạt thành tích cao. Sớm ra đời Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao, các Liên đoàn thể thao. Tiếp tục phát triển và củng cố các CLB TDTT trên địa bàn toàn tỉnh. Hằng năm mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, HDV, CTV TDTT nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động TDTT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Riêng về thể thao quần chúng hoàn thiện hệ thống tổ chức thi đấu cho các môn thể thao, nhất là lứa tuổi thanh thiếu nhi ở các huyện, thành phố và các trường học làm cơ sở tuyển chọn VĐV năng khiếu. Khôi phục và mở rộng mô hình các lớp nghiệp dư năng khiếu ở cơ sở để gắn kết phong trào thể thao ở cơ sở và cung cấp vận động viên năng khiếu cho các trung tâm đào tạo của tỉnh. Tiếp tục thành lập các Liên đoàn thể thao ở một số môn thể thao có phong trào phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, doanh nghiệp … trong hoạt động TDTT.
Đối với Thể thao thành tích cao, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuyên môn để áp dụng vào công tác huấn luyện đạt hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa chương trình đào tạo VĐV trẻ nhằm đáp ứng lực lượng kế cận cho các tuyến vận động viên. Ưu tiên những vận động viên có thành tích tốt, có năng lực, đạo đức để gửi đi đào tạo trở thành huấn luyện viên. Sớm cho ra đời các Trung tâm TDTT cấp tỉnh để tổ chức thi đấu các giải của tỉnh, tập huấn và thi đấu các giải quốc gia và cung cấp vận động viên cho đội tuyển quốc gia thi đấu giải quốc tế. Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi dành cho các VĐV tài năng. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với các VĐV có thành tích thi đấu đạt giải quốc gia, quốc tế. Có chế độ bồi dưỡng hợp lý theo quy định của nhà nước đối với VĐV, HLV tham gia huấn luyện và thi đấu tại các giải quốc gia, quốc tế. Vận động các đơn vị doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn tỉnh cùng phối hợp đầu tư cho các môn thể thao chuyên nghiệp (như Bóng chuyền nữ của tỉnh) và môn Bóng đá trẻ.
N. H