Để thực hiện thành công những mục tiêu này, tỉnh Hải Dương đã ban hành chiến lược quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng 2020.
Theo đó, mục tiêu cụ thể mà ngành TDTT tỉnh Hải Dương hướng đến: đối với TDTT quần chúng, số trường phổ thông tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa 2 lần/tuần đến năm 2015 đạt 80 - 85%, năm 2020 đạt 90 - 95%; năm 2015 số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 25 - 30%, năm 2020 đạt 30 - 35%; số gia đình thể thao đạt 18% (2015), năm 2020 đạt 21 - 22%; số CLB, điểm, nhóm tập luyện TDTT cơ sở đạt 2.800, năm 2020 đạt 3.500.
Đối với Thể thao thành tích cao, phấn đấu giữ thứ hạng cao trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đến năm 2015, giữ vững vị trí trong tốp 10 tỉnh, thành, ngành mạnh nhất toàn quốc tại các kỳ Đại hội TDTT (cụ thể, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, dự kiến thi đấu 20 môn và phấn đấu giành tổng số 24 - 26 HCV, 22 HCB, 23 HCĐ). Đến năm 2020, tham gia tranh tài ở 23 môn Thể thao, phấn đấu dành tổng số 27 - 30 HCV, 27 HCB, 33 HCĐ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác hợp tác phát triển TDTT trong nước, quốc tế.
Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu trên, Hải Dương luôn xác định yếu tố quan trọng hàng đầu chính là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể vào mục tiêu phát triển sự nghiệp TDTT, nhằm góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và trí tuệ con người Hải Dương, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh và phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo và tổ chức các hoạt động TDTT nhằm phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa TDTT.
Cụ thể hóa bằng việc xây dựng các giải pháp về vốn đầu tư như: tổng thu vốn đầu tư cho hoạt động TDTT giai đoạn 2007 - 2020 là 1.437 tỉ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp TDTT là 400 tỉ, chiếm 27,8 % - do ngân sách nhà nước cấp. Vốn xây dựng công trình TDTT là 1.037 tỉ đồng chiếm 72,2% (trong đó vốn ngân sách nhà nước là 635 tỉ đồng chiếm 42, 2%, vốn thực hiện xã hội hóa là 402 tỉ đồng chiếm 28%)..
Ngoài ra, Hải Dương luôn chú trọng tới công tác xây dựng cơ chế, chính sách TDTT; thường xuyên đối mới phương pháp quản lý hoạt động, tăng cường tổ chức bộ máy TDTT các cấp và đẩy mạnh công tác tuyển truyền, nâng cao nhận thức; đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, đào tạo nguồn nhân lực cho TDTT, về khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển TDTT, các công trình, dự án đầu tư trọng điểm cấp tỉnh đến năm 2015.
Trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho TDTT được Hải Dương xác định là yếu tố quan trọng, tạo nền tảng vững chắc, quyết định sự phát triển của TDTT tỉnh trong những năm tới. Do vậy, ngành TDTT tỉnh Hải Dương phấn đấu trong thời gian tới sẽ thành lập nhiều hơn nữa các trường, lớp chuyên năng khiếu Thể thao nằm trong hệ thống các trường phổ thông trung học nhằm phát hiện, bồi dưỡng các tài trẻ có năng khiếu thế thao, góp phần kiện toàn hệ thống đào tạo VĐV trẻ. Ban hành tiêu chuẩn về tuyển chọn năng khiếu ban đầu, tiêu chuẩn tuyển chọn VĐV trẻ tập trung cho từng môn Thể thao một cách có hệ thống, khoa học theo các chỉ số chuyên môn. Mỗi VĐV ở giai đoạn huấn luyện sẽ có huấn luyện viên chuyên nghiệp riêng và được áp dụng các kỹ thuật huấn luyện tiên tiến cập nhật theo thời đại cùng với những trang thiết bị hiện đại và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
N. H