Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị, thành phố; các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức và khả năng tổ chức thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị Khóa XI và Chương trình hành động số 68-CTHĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nhanh chóng đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào cuộc sống. Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác thể dục, thể thao của tỉnh, địa phương, ngành, đơn vị góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Với định hướng đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, từ nay đến năm 2020, ngành TDTT tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, đến năm 2015:
- Đảm bảo về cơ sở vật chất phục vụ công tác thể dục thể thao (TDTT) cấp tỉnh gồm: Nhà thi đấu đa năng; bể bơi tổng hợp; sân vận động đạt chuẩn đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT. Ở cấp huyện: Mỗi đơn vị xây dựng một nhà thi đấu thể thao quy mô tối thiểu 1.000 chỗ ngồi; Cấp xã: 100% làng, bản, khu phố có cơ sở thể thao đủ điều kiện để làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư.
- Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 25-30%; số gia đình đạt chuẩn gia đình thể thao từ 18-22%. Toàn tỉnh có khoảng 750 câu lạc bộ thể thao, trong đó có 90 cơ sở thể thao ngoài công lập, trên 50% cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức được câu lạc bộ TDTT, có ít nhất 80% cán bộ công chức tập luyện TDTT thường xuyên; Hình thành 4-6 tổ chức liên đoàn, hiệp hội, hàng năm có 50 giải thể thao cấp huyện và 15 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức. Thể thao người khuyết tật giữ vững vị trí thứ 3 toàn quốc và đạt huy chương tại các giải thi đấu quốc tế. Thể thao thành tích cao đạt huy chương vàng tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014; cung cấp nhiều vận động viên cho đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia.
Và đến năm 2020: Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30%; gia đình thể thao đạt 19-22%. Số xã, phường, thị trấn xây dựng các điểm tập TDTT theo quy định đạt 100%.
Để hoàn thành những mục tiêu trên, ngành TDTT Quảng Trị cũng đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về công tác TDTT, trên cơ sở đó ban hành kế hoạch bằng nhiều giải pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến về tư tưởng, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, tác dụng của TDTT trong việc góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân; giáo dục đạo đức, ý chí, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế nhằm phát triển TDTT ở từng ngành, địa phương.
- Triển khai tuyên truyền, quán triệt một cách có hiệu quả, thiết thực, rộng rãi trong toàn xã hội, đặc biệt là đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về các nội dung và tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong thanh, thiếu niên.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao quần chúng, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vận động và thu hút nhân dân tham gia tập luyện TDTT. Gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào TDTT với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”; với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
- Phát triển thể thao thành tích cao, nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, củng cố và phát triển các lớp năng khiếu thể thao ở tỉnh với quy mô phù hợp. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, lồng ghép các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư cho sự nghiệp thể thao. Có chính sách thu hút những huấn luyện viên, vận động viên giỏi trong nước và nước ngoài cho các môn thể thao trọng điểm.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của Nhà nước, phát triển các tổ chức xã hội về TDTT; tăng cường hợp tác quốc tế. Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền cấp xã về TDTT. Các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác TDTT. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, khu vực nhất là các nước có chung biên giới với Quảng Trị và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
T. Tuấn