Đặc biệt, trọng tâm của năm 2013 là tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp trên địa bàn toàn tỉnh, để đảm bảo tốt việc này cùng với nguồn kinh phí được cấp hàng năm, Quảng Trị tích cực vận động hiệu quả công tác xã hội hóa, mời các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn hỗ trợ kinh phí lên đến gần 100 triệu đồng/1 Đại hội.
Ngoài ra, các sân chơi phục vụ cho hoạt động TDTT như: Tennis, Bóng đá, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Thể hình, Thể dục thẩm mỹ... do các tổ chức, cá nhân cùng với người hâm mộ tự bỏ tiền xây dựng, sửa chữa phục vụ đông đảo nhu cầu tập luyện TDTT của người dân, từ đó góp phần hình thành ngày càng nhiều các sân chơi lành mạnh, thiết thực và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Từ chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như những kết quả đạt được trong công tác xã hội hóa TDTT mà nhu cầu tham gia tập luyện TDTT của người dân ngày càng tăng và có chất lượng. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng đã nhận thức đầy đủ và có sự quan tâm thường xuyên đến chủ trương xã hội hóa TDTT.
Song song với việc thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa TDTT, Quảng Trị còn chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ VĐV tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT toàn quốc. Do đó, thành tích tham gia các giải đấu của các VĐV Quảng Trị được giới chuyên môn đánh giá cao.
Như vậy, có thể thấy nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa nên đến nay phong trào tập luyện TDTT trên địa bàn thị xã Quảng Trị đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động TDTT, song Quảng Trị đã chọn cho mình hướng đi phù hợp bằng việc tranh thủ và phát huy có hiệu quả nguồn lực từ công tác xã hội hóa đối với lĩnh vực TDTT.
Từ những kết quả đạt được, hy vọng phong trào TDTT tại Quảng Trị tiếp tục phát huy hiệu quả cũng như nhận được sự quan tâm, sẻ chia nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân, đơn vị tài trợ... để sự nghiệp TDTT của tỉnh ngày càng tiến mạnh và xa hơn.
N. H