ghi nhận thành tích đạt được...
Nhìn lại thành quả đạt được trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang xây dựng phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng khắp và tích cực phát hiện, bồi dưỡng các tài năng Thể thao nhằm không ngừng nâng cao thành tích các môn Thể thao trọng điểm, hướng đến chuyên nghiệp hóa Thể thao đỉnh cao.
Đơn cử là việc triển khai mạnh mẽ và hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", Thể thao quần chúng ở Thừa Thiên Huế nhiều năm lại đây đã có những đổi thay tích cực. Đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt 27,1%, số gia đình Thể thao đạt 16,8%, toàn tỉnh có 530 CLB TDTT, lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao đạt 96%... Ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2013, Thừa Thiên Huế đã tổ chức trên 500 giải thể thao quần chúng, thu hút khoảng 100.000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiến hành tổ chức Đại hội TDTT các cấp, tiến tới Đại hội TDTT toàn tỉnh và xa hơn là chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014.
Cùng với sự phát triển của thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tích rất đáng biểu dương. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, các VĐV Thừa Thiên Huế giành được 121 huy chương (41 HCV, 35 HCB, 45 HCĐ), trong đó có 20 huy chương quốc tế (13 HCV, 7 HCB). Tiêu biểu là các VĐV đội tuyển Vật tham gia giải vô địch Vật trẻ Đông Nam Á đạt 5 HCV, 6 HCB; giải Cờ vua trẻ Đông Nam Á đạt 7 HCV, 1 HCB, giải vô địch Vật Đông Nam Á đạt 1 HCV; giải Vật trẻ toàn quốc đạt 6 HCV, 9 HCB, 3 HCĐ, giải Cờ vua miền Trung mở rộng đạt 14 HCV, 15 HCB, 21 HCĐ...
... tạo cú "híc" phát triển TDTT lên tầm cao mới
Với mong muốn đưa nền Thể thao tỉnh nhà ngày càng tiến xa hơn trong khu vực và trên toàn quốc, đặc biệt ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án " Phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020" đã được kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa VI thông qua. Được biết, tổng kinh phí thực hiện đề án này là 111 tỷ đồng ( trong đó giai đoạn 2013 - 2015 là 26,4 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 84,6 tỷ đồng), đề án đã thể hiện tầm nhìn và khả năng phát triển của Thể thao thành tích cao Thừa Thiên Huế, đồng thời tạo cú "híc" quan trọng cho TDTT Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới.
Cũng theo đề án, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng và phát triển Thể thao thành tích cao ổn định, vững chắc, đội ngũ HLV, VĐV có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn cao. Tỉnh phấn đấu nằm trong top 20 tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, đóng góp nhiều VĐV trẻ tài năng cho quốc gia và đạt nhiều thành tích cao tại các giải trong nước và quốc tế. Dự kiến, giai đoạn 2013 - 2015, Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư 5 môn Thể thao trọng điểm gồm: Cờ, Karatedo, Vật, Điền kinh, Bơi - Lặn.
Ngoài ra, đối với thể thao quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu định hướng phát triển đến năm 2020, toàn tỉnh từng bước phát triển vững chắc phong trào TDTT, tạo mọi điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; tăng tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên từ 22% trong năm 2007 lên 28% vào năm 2015 và đạt 35 - 40% vào năm 2020. Duy trì và phát triển các môn thể thao phong trào từ 18 - 22 môn vào năm 2020.
Lấy TDTT trường học làm trọng điểm, quán triệt phương châm giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ, đảm bảo chất lượng giáo dục thể chất trong trường học; phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh lựa chọn môn thể thao phù hợp để xây dựng các câu lạc bộ TDTT trong trường học, chuẩn bị lực lượng tham gia các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc đạt thành tích tốt. Duy trì thường xuyên các hoạt động TDTT trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, nâng cao chất lượng phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang; đồng thời, quan tâm đúng mức tới TDTT cho người cao tuổi, người tàn tật, từng bước đầu tư và thành lập trung tâm thể dục thể thao và dưỡng sinh cho người cao tuổi, người khuyết tật.
Đồng thời, khuyến khích phát triển các tụ điểm Thể thao, các môn Thể thao dân tộc giải trí, thể thao gắn với lễ hội, du lịch dịch vụ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất dịch vụ TDTT ở tất cả các cấp.
Như vậy, có thể thấy với những định hướng và chiến lược đặt ra hết sức cụ thể, hy vọng TDTT Thừa Thiên Huế sẽ phát huy và thực hiện thắng lợi các định hướng phát triển nhằm sớm thay đổi diện mạo nền Thể thao của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai gần.
N. Hương