You must configure this module first via "Module Settings"

Thái Bình chuyển mình từ Nghị quyết 08

Là một tỉnh thuần nông với 90% dân số toàn tỉnh làm nông nghiệp, có thể nói sự nghiệp TDTT tỉnh Thái Bình chưa để lại nhiều dấu ấn trong khoảng thời gian khá dài. Thế nhưng, kể từ ngày thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ và chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Thái Bình đã có bước chuyển mình rõ rệt từ việc nâng cấp, cải tạo cũng như xây mới các công trình phục vụ TDTT cho đến những bước tiến đáng kể ở cả thể thao thành tích cao lẫn TDTT quần chúng...

Vươn lên từ những khó khăn chung của xã hội, để thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ, ngành VHTTDL tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành Chỉ thị 11-CT/TU, Quyết định 2743/QĐ-UBND, phê duyệt đề án "Quy hoạch phát triển sự nghiệp VHTTDL tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020"... về công tác TDTT, đồng thời thể chế hóa các chương trình, kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn và sau gần 2 năm thực thiện, Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bà Cao Thị Hải
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình (Ảnh:H.T)

Theo bà Cao Thị Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thì phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển sâu rộng tới từng địa bàn trên toàn tỉnh. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh và thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia. Trong hoạt động thể thao các cấp, mỗi năm toàn tỉnh tổ chức từ 13-15 giải thi đấu TDTT cấp tỉnh, 150 giải cấp huyện và gần 1.400 giải cấp xã. Số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 28%, số gia đình thể thao đạt 18%...

Đối với thể thao thành tích cao, hàng năm Trường Năng khiếu TDTT vẫn duy trì chỉ tiêu đào tạo 210 học sinh. Cùng với đó, Trường đẩy mạnh liên kết với Trung tâm VHTT các huyện, thành phố để mở nhiều lớp năng khiếu tại cơ sở. Còn Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh đã xác định rõ việc tập trung đầu tư vào các môn thể thao mũi nhọn là điều thiết yếu. Việc thuê HLV, VĐV nước ngoài đã thúc đẩy, nâng cao dần thành tích TDTT tỉnh. Năm 2012, Trung tâm Huấn luyện TDTT đã tham dự 41 giải quốc gia và khu vực đạt 202 huy chương các loại gồm: 56 HCV, 56 HCB, 90 HCĐ (trong đó có 7 huy chương quốc tế).

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất trong những năm qua đã dần được nâng cấp, cải tạo như: NTĐ, Nhà tập Cầu lông, Võ, Vật, SVĐ... phục vụ công tác luyện tập và thi đấu thể thao. Không chỉ vậy, các huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành quỹ đất cho xây dựng công trình thể thao. Các xã, phường, thị trấn có 286 sân Bóng đá, hàng trăm sân Cầu lông, Bóng chuyền và đặc biệt NTĐ đa năng 4.000 chỗ, Khu liên hợp thể thao đang xây dựng hứa hẹn sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo cho thể thao tỉnh Thái Bình.

Ngoài ra, công tác xã hội hóa về TDTT đã có nhiều chuyển biến tích cực và đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... Từ những đóng góp đó, hiện toàn tỉnh có trên 1.000 CLB thể thao, 3 liên đoàn (Bóng bàn, Cầu lông, Quần vợt).... Tiêu biểu nhất phải kể đến việc Tổng công ty khoan và dịch vụ khoan dầu khí tài trợ cho đội tuyển nữ Bóng chuyền Thái Bình với số tiền 1,5 tỷ đồng/ năm....

Có thể nói, những mặt tích cực này sẽ là bàn đạp vững chắc để Thái Bình tự tin trên con đường phát triển sự nghiệp TDTT. Số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao sẽ ngày càng tăng, các CLB TDTT hoạt động thường xuyên, có hiệu quả sẽ không chỉ đóng góp cho tỉnh nhiều VĐV trẻ triển vọng mà còn góp phần bổ sung nguồn lực cho các đội tuyển quốc gia.

H.Thảo

Ảnh trong bài
  • Thái Bình chuyển mình từ Nghị quyết 08