Cả cuộc đời sự nghiệp phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.
Người đã để lại một sự nghiệp báo chí đồ sộ: hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký. Người cùng sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên (1925), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu Quốc (1942). Với 150 bút danh Người viết nên những tác phẩm báo chí xuất sắc bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt… đăng trên 50 báo, tạp chí ở trong nước và ngoài nước.
Quan điểm của Bác về báo chí hết sức phong phú và sâu sắc. Theo quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh, người làm báo cách mạng trước hết phải có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội nghiêm túc, có lập trường chính trị vững vàng, thường xuyên quán triệt sâu sắc mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản.
Bác yêu cầu người làm báo muốn tiến bộ và viết hay, phải ra sức học tập và rèn luyện nâng cao trình độ văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo cách mạng phải nhạy bén với sự vận động phát triển của đất nước; có lòng say mê nghề nghiệp; luôn đứng về công lý, lẽ phải; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực; làm trong sạch, lành mạnh đời sống xã hội.
Người nói: “Đối với bản thân báo chí, bản thân người làm báo cũng phải có tính chiến đấu mới làm báo tốt được. Viết một bài báo mà loại được những yếu tố cá nhân cũng là một cuộc đấu tranh”. Báo chí phải biểu thị rõ ràng sự nhiệt tình ủng hộ hay phản đối một quan điểm, một vấn đề, một sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nào đó khi trong xã hội còn đấu tranh giai cấp. Người khẳng định: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén”
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì?; “Vì ai mà viết? Mục đích viết làm gì?” Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng” Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài ... Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Bác dạy các nhà báo về cách viết rất cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực. Bác còn hướng dẫn chu đáo “viết rồi phải thế nào”? - Tức là kiểm tra sau khi viết. Bác căn dặn: “viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại”
Thực hiện lời dạy của Người, 86 năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta không ngừng tiến lên và giành được những thành tựu to lớn. Lớp lớp đội ngũ nhà báo Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên định vững vàng trước những biến động của lịch sử; có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Không ngừng ra sức phấn đấu rèn luyện “trí sáng, tâm trong, bút sắc”, thực hiện sứ mệnh cao quý của người cầm bút, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao hơn.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Gia Thái nhấn mạnh: việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chính Minh không chỉ là việc làm trước mắt, mà là một quá trình lâu dài. Người làm báo chí cách mạng phải rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng của Bác. Người làm báo cần nghiêm túc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.
A.T