Đặc biệt, thời gian qua Tuyên Quang rất quan tâm đến công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT ở cả thể thao quần chúng và thành tích cao. Từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho 2.495 sân chơi thể thao, mặc dù hầu hết các sân bãi chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế nhưng bước đầu đã đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện, chơi thể thao của quần chúng nhân dân ...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang, việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; tiến độ quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động TDTT còn chậm, nguồn lực thực hiện quy hoạch còn hạn chế, nhất là việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở. Hầu hết cấp xã chưa quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT.
Theo tiêu chuẩn quy hoạch mỗi xã có từ 1,5ha đến 2ha đất dành cho hoạt động TDTT, thì hiện nay mới có tổng số 66/164 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có sân tập thể thao và vui chơi giải trí đủ tiêu chuẩn về diện tích. Mặc dù trong nhiều năm trở lại đây, phong trào TDTT phát triển rộng nhưng chưa vững chắc, có nơi duy trì phong trào chưa liên tục; một số địa phương chưa tích cực và chủ động tham gia thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh. Chất lượng đào tạo, huấn luyện ở một số lớp năng khiếu về TDTT, hay các đội tuyển VĐV của tỉnh tham gia thi đấu tại các giải toàn quốc kết quả chưa cao và không ổn định. Đội ngũ HLV giỏi về TDTT của tỉnh còn thiếu và yếu...
Xuất phát từ thực tế đó, để phong trào TDTT phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng các giải thi đấu thể thao theo đúng quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuyên Quang xác định tập trung, quyết tâm hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ trong chiến lược quy hoạch đề ra. Trong đó, luôn chú trọng tăng mức đầu tư kinh phí cho sự nghiệp TDTT, nhất là quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện TDTT; xây dựng thực hiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp TDTT; chú trọng đổi mới, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV nâng cao thành tích trong các giải khu vực và toàn quốc.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị cần chủ động, linh hoạt trong các hoạt động TDTT nhằm xây dựng các sân chơi, bãi tập, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân, tạo cho mỗi người dân thói quen thường xuyên tập luyện TDTT để nâng cao sức khỏe, tăng cường thể chất của nhân dân, tạo hiệu quả cao trong lao động, sản xuất.
Đặc biệt, riêng trong năm 2013 ngành TDTT tỉnh Tuyên Quang hướng đến tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn tỉnh và tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ VĐV thể thao thành tích cao, những môn thể thao thế mạnh của tỉnh; phấn đấu có 17 VĐV đẳng cấp quốc gia và cấp I, tổ chức thành công 09 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, tham gia 14 giải thể thao khu vực và toàn quốc...
N. H