You must configure this module first via "Module Settings"

Tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao trường học đến năm 2020

Ngày 16/4,  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đã chủ trì Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020” và Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/11/2012 về việc Quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên TDTT. Hội nghị trực tuyến diễn ra tại 6 điểm cầu (Hà Nội - Thái Nguyên - Nghệ An - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ). Cùng dự, về phía Tổng cục TDTT có Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn và đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc phát triển thể dục, thể thao trong các trường học và để tiếp tục đạt được những thành công mới trong lĩnh vực này, Thứ trưởng yêu cầu: Hội nghị trực tuyến lần này cần tập trung làm rõ các nội dung, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với chiến lược phát triển giáo dục và góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. 

Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Tổng cục TDTT điều hành Hội nghị trực tuyến
(Ảnh: Trung Toàn)

Bàn về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dũng - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) chia sẻ: việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW là rất phù hợp, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về TDTT trong giai đoạn đất nước ta đang đẩy mạnh CNH-HĐH... Ông Dũng đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của ngành Giáo dục về công tác GDTC. Tuy nhiên, cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa, và để các hoạt động này mang lại hiệu quả cao cần sự vào cuộc của các cấp quản lý cũng như thay đổi nhận thức của toàn xã hội.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu ở 6 đầu cầu, trong đó tập trung vào mục tiêu và đưa ra các biện pháp thực hiện sao cho hiệu quả tại các địa phương. Điển hình như trường Đại học Quảng Bình đã đưa ra một số các giải pháp như: Đối với lãnh đạo nhà trường, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về nhận thức của đội ngũ cán bộ, GV, SV trong nhà trường đối với GDTC; Cần vận động các nguồn kinh phí tự chủ, tranh thủ kinh phí của Bộ GD&ĐT và các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, thực hiện xã hội hóa công tác thể thao trong nhà trường để xây dựng thêm CSVC, sân bãi tập luyện và nhà thi đấu đa năng, hồ bơi.... Đối với Khoa GDTC Quốc phòng, cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và các kế hoạch quản lý công tác GDTC, tham mưu cho hiệu trưởng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác GDTC; Đẩy mạnh việc quản lý công tác cải tiến phương pháp giảng dạy trong các môn GDTC.

Trong khi đó, đại diện của đầu cầu Hà Nội (sở GD&ĐT Hà Nội) lại cho rằng:  Cần phải quán triệt sâu sắc những quan điểm về GD&ĐT của Đảng, Nhà nước, nhận thức về tầm quan trọng của GDTC và sức khỏe học sinh trong hệ thống nhà trường phổ thông để các cấp lãnh đạo và các nhà quản lý nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác này, từ đó có sự chỉ đạo và quyết sách sát với thực tế hơn. Tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp giải quyết nhiều vấn đề đặt ra cho công tác GDTC trong trường học. Đẩy mạnh công tác XHHGD, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh công tác TDTT, đầu tư xây dựng CSVC trường học phục vụ công tác GDTC.

Liên quan đến chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên TDTT, tại đầu cầu Đà Nẵng có ý kiến cho rằng: các chế độ bồi dưỡng giờ dạy thực hành và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên TDTT tại Quyết định 51/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bảo đảm được các điều kiện và chế độ cho giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay Sở GD&ĐT Đà Nẵng còn vướng mắc về việc không có căn cứ chi trả tiền công cho giáo viên làm công tác huấn luyện các đội tuyển học sinh các môn tham gia HKPĐ cấp thành phố. Sở kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cho việc chi trả này.

Ở đầu cầu Tp. Cần Thơ nêu lên một số đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT như: Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, giáo trình, chương trình GDTC cho phù hợp hơn; Tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; có chế độ ưu đãi đối với cán bộ và chế độ khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động TDTT đạt giải quốc gia, quốc tế được ưu tiên trong việc tuyển sinh vào các trường ĐH phù hợp với chuyên ngành; Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ VH,TT&DL ban hành văn bản về việc dạy bơi trong trường học, để các Sở GD&ĐT tham mưu với địa phương có chủ trương giúp các trường học xây dựng nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với học sinh.

Đồng quan điểm với Cần Thơ, đại diện Tp. Hồ Chí Minh cũng đưa ra kiến nghị với Bộ GD&ĐT cần: Nghiên cứu đổi mới chương trình theo hướng tích hợp, tăng cường các môn thể thao tự chọn; tăng cường và chuẩn hóa việc xây dựng CSVC, sân bãi tập luyện trong trường học nhằm đảm bảo điều kiện của GDTC; tăng cường công tác đào tạo GVTDTT theo yêu cầu mới của xã hội, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động thể thao ngoại khóa; tăng cường công tác phổ cập bơi trong nhà trường nhằm phòng chống tai nạn đuối nước, có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng nguồn kinh phí trong công tác phổ cập môn bơi.

Nhìn chung các ý kiến đóng góp tại 6 điểm cầu trực tuyến đã mang lại giá trị thực tiễn cao. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT nghiên cứu, có những điều chỉnh để công tác GDTC, cũng như việc đẩy mạnh các hoạt động TDTT phát triển mạnh mẽ theo đúng tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TWcủa Bộ Chính trị.

Nam Khánh

Ảnh trong bài
  • Tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao trường học đến năm 2020