Trước đây, nội thành Hà Nội có khoảng hơn 300 sân đất cho thuê nhưng tính đến năm 2013 chỉ còn lác đác vài sân, hầu hết Ban quản lý các sân đều chuyển theo hướng kinh doanh SCNT. Cùng với nhu cầu ngày một lớn của xã hội thì hàng loạt SCNT đã được xây mới theo cụm, khu vực như: Hoàng Minh Giám, Nguyễn Phong Sắc kéo dài... Hiện tại, nội thành Hà Nội có khoảng 500 SCNT. Điều này cho thấy trong xu thế phát triển Bóng đá hiện đại, đi đôi với khoa học kỹ thuật, việc phát triển mô hình SCNT dường như là việc làm cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh loại hình dịch vụ này. Và đây cũng được xem là bước xã hội hóa thể thao đột phá bởi không chỉ nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, thúc đẩy Bóng đá phong trào cả về số lượng sân bãi lẫn người chơi mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nằm trên con phố Lê Văn Lương, Sân bóng Nhà Văn hóa Thanh Xuân (NVHTX) đã kinh doanh SCNT hơn một năm trở lại đây và kết quả thu được rất tích cực. Anh Thành - quản lý sân NVHTX chia sẻ: "Hiện nay, đa phần những ai chơi Bóng đá đều ưa thích chơi trên mặt SCNT và không còn mặn mà với loại hình sân đất. Kể từ ngày xây dựng xong SCNT, số lượng đội bóng đăng ký thuê sân tăng vọt theo tháng, quý, năm. Cùng với đó, hàng tháng hay thậm chí hàng tuần sân luôn kín đặc người chơi bởi các giải đấu tự phát. Vậy nên, dù đầu tư SCNT ban đầu tuy khá tốn kém (giá thành 2 SCNT NVHTX 30x50m xấp xỉ 1,5 tỷ đồng) nhưng đổi lại lợi nhuận kinh tế là rất cao."
Trung bình một tuần (từ thứ 2 đến thứ 6), sân Bóng đá NVHTX kín lịch đặt thuê sân (giá thuê sân 1,5 giờ: 700.000 đồng) theo khung giờ "cố định" chủ yếu từ 15h30 đến 22h. Riêng hai ngày cuối tuần, sân thường xuyên có thêm khung giờ buổi sáng phục vụ người chơi, các đơn vị tư nhân hay nhà nước tổ chức các giải đấu và hội thao, nhằm chào mừng các sự kiện, ngày lễ trọng đại của đất nước.
Xã hội phát triển, áp lực công việc ngày một cao dẫn đến nhu cầu giải trí, thể thao tăng vọt và SCNT là một trong những loại hình được nhiều người ưa thích lựa chọn. Thực tế, qua khảo sát cá nhân, gần như 100% số thành viên trong các CLB như FC Academy, FC Sư Phạm, FC MUsVn..., đều lựa chọn SCNT làm sân chơi cho bản thân sau mỗi ngày làm việc. Ưu điểm của loại sân này là hạn chế được những rủi ro, va chạm trong thi đấu và giúp cho thanh thiếu niên có thể luyện tập cả buổi trưa và buổi tối.
Anh Nguyễn Hải Linh - FC Academy tâm sự: " Tôi rất yêu Bóng đá và đam mê được chơi bóng nhưng với đặc thù công việc hay phải nghỉ muộn nên trước đây tôi khó có thể bố trí thời gian dành cho thể thao. Kể từ ngày SCNT xuất hiện thì không chỉ tôi mà nhiều anh em trong công ty đã được thỏa mãn niềm đam mê Bóng đá của mình". Đối với anh Phạm Ngọc Ba - FC Sư Phạm thì SCNT là sự lựa chọn hợp lý cho những người chơi lớn tuổi. Việc hạn chế rất lớn rủi ro chấn thương sẽ tạo tâm lý tốt cho những cầu thủ nghiệp dư hăng say rèn luyện mà vẫn đảm bảo công việc trong cuộc sống.
SCNT thật sự đem lại nhiều lợi ích, mang tới một sân chơi văn minh, sạch sẽ và an toàn cho nhiều tầng lớp trong xã hội, góp một phần vào việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thay thế những trò chơi vô bổ, giới trẻ chuyển sang chơi Bóng đá nhiều hơn, tạo sân chơi thú vị cho các vị “Vua” sân cỏ tham gia tập luyện thi đấu. Anh Phạm Đức Mạnh - khu tập thể Hoàng Ngọc Phách cho biết: "Sau khi tan ca, thay vì những buổi nhậu nhẹt chúng tôi đều ra sân tập luyện để tăng cường sức khỏe. Nhưng cũng phải gọi điện đăng ký với chủ sân trước để xếp lịch, nếu không “Alô” trước thì khó có lịch chen vào”...
Hằng ngày, trên những thảm cỏ xanh nhân tạo luôn tràn ngập không khí sôi nổi, hào hứng qua các trận đấu của những cầu thủ “nghiệp dư” đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Đặc biệt, các ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật, các sân đều có lịch đăng ký chật kín cả ngày lẫn buổi tối. Hy vọng, trong tương lai, loại hình SCNT tiếp tục được triển khai nhân rộng bởi đây là cơ hội để người dân tiếp cận sân chơi bổ ích, rèn luyện thể chất, năng khiếu, góp phần xây dựng phong trào TDTT khắp Việt Nam nói chung và nội thành Hà Nội nói riêng ngày càng phát triển bền vững theo hướng xã hội hóa.
MK