Trải qua 67 năm, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Thể thao Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trong mắt bạn bè khu vực, châu lục và quốc tế với những thành tích điển hình như: hai lần quốc ca Việt Nam đã được xướng lên tại sân chơi lớn nhất hành tinh (Olympic mùa hè năm 2000 và 2008), luôn duy trì tốp 3 quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại các kỳ SEA Games gần đây. Thể dục thể thao cũng góp phần không nhỏ làm nên một thế hệ người Việt Nam khoẻ mạnh thông qua các giải thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, thể thao trường học... xây dựng đời sống văn hoá, lành mạnh thúc đẩy sự phát triển một cách toàn diện nền kinh tế, xã hội của đất nước.
Có được thành công ngày hôm nay là nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền Thể dục thể thao mới vì dân, vì nước bằng sắc lệnh số 14 thành lập Nha Thể dục Trung ương trong đó nêu rõ: "Xét vấn đề Thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam" cùng với Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục vào ngày 27 tháng 3 năm 1946.
Từ đó, cả nước đã dấy lên phong trào "Khỏe vì nước", hòa chung với tinh thần và khí thế của dân tộc quyết tâm giữ vững nền độc lập, xây dựng nước nhà. Không chỉ quan tâm, chăm lo đến sự phát triển nền TDTT nước nhà mà Người cũng rất coi trọng việc phát triển thành tích thể thao. Nhiều lần Người đã đến xem, động viên các cuộc thi đấu thể thao ở Hà Nội. Tại Đại hội thể thao thủ đô lần thứ Nhất, Người xuống tận sân thăm hỏi và động viên các VĐV tham gia thi đấu tốt. Người thường xuyên dành thời gian tiếp và ân cần trao đổi với nhiều đoàn VĐV của nước ta và nước ngoài thi đấu tại Hà Nội.
Người cũng rất quan tâm đến việc đào tạo cán bộ cho Ngành TDTT. Ở chiến khu Việt Bắc, Người vừa tập vừa động viên, hướng dẫn những chiến sĩ bảo vệ, phục vụ tập luyện để "sau này hướng dẫn lại cho nhiều người khác cùng tập". Người cho mở các lớp đào tạo cán bộ cấp tốc mà lực lượng chủ yếu là thanh niên, tự vệ, giao cho Quân uỷ Trung ương phối hợp với ngành TDTT mở các lớp học võ, học Thái Cực Quyền để hướng dẫn cho bộ đội và thanh niên cùng tập. Người cũng đã đến tận nơi thăm hỏi giáo viên, chuyên gia và học sinh Trường Cán bộ TDTT Trung ương. Người căn dặn: "Cán bộ thể dục thể thao phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác nhằm phục vụ sức khỏe nhân dân".
Người còn là tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện thân thể một cách thường xuyên và đầy sáng tạo. Trong bất cứ hoàn cảnh nào Người cũng tìm được những phương thức thích hợp để tập luyện. Không những tích cực tập luyện đều đặn, Người còn luôn động viên, khuyến khích mọi người tham gia tập luyện.
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn ngành Thể dục thể thao đã và đang tích cực nâng cao thành tích thể thao nước nhà cũng như phát triển sâu, rộng phong trào thể thao trong quần chúng nhân dân.
Đối với thể thao thành tích Cao, đến nay, Việt Nam đã có nhiều nhà vô địch thế giới, vô địch châu lục như Phan Thị Hà Thanh (Thể dục dụng cụ), Hoàng Xuân Vinh (Bắn súng), Nguyễn Thị Lụa (Vật Tự do), Nguyễn Hoàng Ngân (Karatedo)... Hơn thế nữa, các môn thế mạnh của thể thao thành tích Cao Việt Nam cũng ngày một phát triển với nhiều môn nằm trong hệ thống Olympic như Thể dục dụng cụ, Cầu lông, Điền kinh, Bơi, Vật. Mục tiêu của Thể thao thành tích Cao cũng vươn xa hơn tới đấu trường Olympic - đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh. Với sự phát triển như hiện nay, thể thao thành tích Cao Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng vào khả năng giành huy chương tại đấu trường thể thao Olympic.
Đối với Thể thao Quần chúng, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã được các địa phương hưởng ứng. Hình thức mỗi người dân tự chọn một môn thể thao hoặc một hình thức tập luyện phù hợp đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đưa tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên trên toàn quốc năm 2012 lên khoảng 22.176.300 nghìn người đạt 25,49%, số gia đình thể thao là 2.919.621 đạt 16,6%. Số Câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở tăng đáng kể ước đạt 45.080 CLB. Số giải thể thao quần chúng được tổ chức nhiều hơn năm trước với 39.105 giải. Các địa phương cũng đã quan tâm tới việc phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, bắt vịt, chạy cà kheo, pháo đất, bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy, tù lu, tung còn, lân sư rồng....
Với những thành tích đáng khích lệ của Thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng nêu trên, cho đến ngày hôm nay, khi thể thao Việt Nam đã trải qua 67 năm xây dựng và phát triển đáng tự hào. Từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ thể thao thế giới, Việt Nam dần khẳng định vị trí để trở thành điểm đến đáng tin cậy để tổ chức những sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực (SEA Games), châu lục (Asian Indoor Games) và sắp tới là những sự kiện đòi hỏi yêu cầu cao hơn nhiều so với hai sự kiện thể thao lớn là SEA Games 23 và Asian Indoor Games 3 tổ chức tại Việt Nam đó là Asian Beach Games 5 và Asiad 18.
Thế nhưng cho dù khó khăn thế nào, với sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn dân cùng với sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, ngành TDTT Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao xứng đáng với niềm tin mà Bác Hồ đã trao gửi.
A.T