You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Nam điểm sáng trong công tác XHH TDTT

Trong những năm gần đây, TDTT Hà Nam đã có nhiều chuyển biến khởi sắc ở cả TTTTC và TDTT quần chúng. Có được những thành tích này là nhờ sự hỗ trợ, chung tay góp sức của các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong công tác xã hội hóa.

Theo thống kê sơ bộ, riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng nguồn đầu tư XHH TDTT đã đạt gần 3 tỷ đồng. Nhờ sự chung tay, góp sức của các tập thể, cá nhân nên hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT Hà Nam cũng được quan tâm đầu tư.

Hiện tỉnh có 1 Nhà thi đấu đa năng, 1 Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT, 1 SVĐ có mái che, 5 SVĐ không mái che đặt tại các huyện, thành phố, 17 sân tennis, 4 bể bơi và hơn 300 sân chơi thể thao ở các xã, phường, thị trấn,…Các công trình phục vụ các hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh đã phần nào đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân trong tỉnh.

Hàng năm, ngành VHTTDL Hà Nam cũng tổ chức nhiều giải thể thao cấp tỉnh thu hút rất đông đảo người dân tham gia. Các giải thể thao này cũng đã nhận được sự tài trợ của nhiều công ty, tổ chức và cá nhân. Điển hình nhất phải kể tới đội tuyển Bóng đá nữ được Tổng công ty Phong Phú đồng hành từ năm 2000 đến nay...

Sự gia tăng của hạ tầng cơ sở phục vụ TDTT là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho phong trào TDTT quần chúng của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ . Đến nay, toàn tỉnh có 23,5% số người tập TDTT thường xuyên, 20,5% là gia đình thể thao, 100% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.

Nhiều giải thể thao truyền thống và giải thể thao phong trào được tổ chức rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh thu hút sự tham gia đông đảo của các cán bộ, người dân như: giải Vật mùa xuân thượng võ, Liên hoan võ thuật, giải Cầu lông Cúp truyền hình, giải Bóng bàn cúp Báo Hà Nam…

Năm 2013, với mong muốn đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa trong các hoạt động TDTT, ngành VHTTDL Hà Nam đã đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới cần tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xã hội hoá; có những đổi mới về cơ chế, chính sách, ưu đãi về đất đai, thuế... để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực TDTT...

Với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, công tác xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT của tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao thành tích thể thao của Hà Nam trên bản đồ thể thao quốc gia.

V.A

Ảnh trong bài
  • Hà Nam điểm sáng trong công tác XHH TDTT