You must configure this module first via "Module Settings"

Công tác xã hội hoá TDTT ở Bắc Kạn

Là một tỉnh miền núi, vùng cao, điều kiện kinh tế, xã hội của Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, tuy vậy được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, công tác TDTT của địa phương vẫn luôn được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng biểu dương. Một trong những giải pháp thúc đẩy sự nghiệp TDTT của Bắc Kạn chính là nhờ làm tốt công tác xã hội hoá Thể dục thể thao theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và Thể dục thể thao.

Để công tác xã hội hoá trong lĩnh vực Thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, ngành TDTT tỉnh Bắc Kạn đã có những giải pháp đồng bộ như tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các công trình thể thao, khu vui chơi phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kêu gọi sự tham gia ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các giải thi đấu thể thao... Nhờ đó, công tác Thể dục thể thao của tỉnh Bắc Kạn đã có những bước chuyển mình đáng kể.

Theo số liệu thống kê năm 2012, trên toàn tỉnh đã có 109 CLB Thể dục thể thao. Mô hình CLB Thể dục thể thao không chỉ tăng về số lượng, chất lượng đã góp phần quan trọng trong việc tạo sân chơi bổ ích và lành mạnh cho người dân tham gia rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ cũng như giao lưu, học hỏi, nâng cao tình đoàn kết. Toàn tỉnh hiện có 23,4 % dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, số gia đình thể thao đạt 10,5%. Con số này so với mặt bằng chung chưa phải là cao nhưng đó là cả sự nỗ lực của toàn ngành TDTT tỉnh Bắc Kạn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển phong trào Thể dục thể thao của một tỉnh miền núi.

Hàng năm, ngoài các hoạt động TDTT do ngành TDTT tỉnh tổ chức theo chương trình, kế hoạch công tác năm, tại khắp các địa phương, các hoạt động thi đấu thể thao do các đơn vị, ban, ngành trong tỉnh tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ước tính có khoảng trên 82% số cơ quan, đơn vị có sân chơi, bãi tập thể thao dành cho cán bộ, công nhân viên chức người lao động. Hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) cũng rất phong phú, đa dạng và phù hợp với đời sống, văn hoá, phong tục tập quán của người dân.

Để hoạt động Thể dục thể thao trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi tầng lớp nhân dân, từ thanh niên, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, phụ nữ, nông dân, người khuyết tật,... Các môn thể thao dân tộc, truyền thống cũng như các môn thể thao hiện đại từng bước được mở rộng và không ngừng phát triển về số lượng cũng như chất lượng. Một số môn được đông đảo người dân yêu thích và tập luyện thường xuyên như Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh, Yoga, Aerobic, dancesport, Bóng đá, Võ thuật, Quần vợt... Trong số các giải thể thao được tổ chức, hầu hết đều có sự tham gia phối hợp đóng góp kinh phí của các ngành, đơn vị đóng trên địa bàn, như giải Cúp Bóng đá thiếu niên nhi đồng của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, giải Việt dã toàn tỉnh, giải cúp Bóng bàn Hội Nhà báo, giải Cờ tướng tranh cúp Báo Bắc Kạn, giải Bóng đá, công nhân viên chức lao động toàn tỉnh, giải Bóng chuyền “Vì an ninh tổ quốc”

Cùng với việc đẩy mạnh tổ chức các giải thi đấu thể thao, các phong trào tập luyện thường xuyên tại các CLB, việc dành quỹ đất cũng như xây dựng hệ thống cơ sở vật chất cho Thể dục thể thao từng bước nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội cũng như cá nhân... với số tiền lên tới trên 1 tỷ đồng.

Hy vọng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hoá ở lĩnh vực Thể dục thể thao sẽ là điều kiện thuận lợi để sự nghiệp Thể dục thể thao Bắc Kạn tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao thành tích thể thao của tỉnh so với các tỉnh miền núi nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung.

HKT

Ảnh trong bài
  • Công tác xã hội hoá TDTT ở Bắc Kạn