Theo đó, công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện TDTT được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, Quảng Bình đã kêu gọi và phối hợp cùng các doanh nghiệp nằm trên địa bàn tỉnh, cá nhân tích cực hưởng ứng cùng tham gia vào công tác xã hội hóa TDTT. Kết quả ban đầu cho thấy, nhiều sân bóng chuyền đã được đầu tư xây dựng tại các khu dân cư, trong khuôn viên các công sở, hay các bãi luyện tập bóng đá mini đã được hình thành khá phổ biến từ thành thị cho đến vùng nông thôn.
Không chỉ dừng lại ở đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất và xây dựng các sân bãi tập luyện, mua sắm thêm các trang, thiết bị thi đấu và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để duy trì các hoạt động Thể thao của từng vùng, miền.
Với sự quan tâm của ngành TDTT Quảng Bình, sự hưởng ứng của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, công tác XHH trong lĩnh vực TDTT của Quảng Bình cho đến thời điểm này đã có những chuyển biến, phát triển đáng kể về cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện để mỗi người dân được tham gia luyện tập TDTT nâng cao sức khỏe, Quảng Bình đang phấn đấu thực hiện tốt chương trình phát triển TDTT cấp xã, phường, củng cố và phát triển hệ thống câu lạc bộ TDTT, nhất là các hoạt động TDTT mang tính truyền thống; đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng sân bãi tập luyện tại các địa phương...
Theo số liệu thống kê của ngành TDTT Quảng Bình, hàng năm số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đều tăng đáng kể. Nếu như năm 2005, tỷ lệ này mới chỉ đạt 19% thì đến năm 2012 đã tăng lên trên 27% và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Để có được kết quả này là nhờ vào hệ thống tổ chức TDTT từ tỉnh đến các cơ sở đã có sự phối hợp chặt chẽ. Điều đó, được thể hiện bằng việc xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể về các nội dung cần xã hội hóa. Bên cạnh đó, nhiều chương trình phối hợp trong các hoạt động TDTT đã được ký kết liên tịch giữa các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương.
Thông qua các chương trình phối hợp này, các ngành, các tổ chức đoàn thể và các địa phương đã tổ chức nhiều hội thi, các giải thi đấu Thể thao xen kẽ vào những dịp lễ hội của dân tộc, ngày kỷ niệm của ngành, địa phương, đơn vị đó. Tiểu biểu như: Lễ hội Đua thuyền truyền thống tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa và thành phố Đồng Hới; các môn Thể thao Bắn cung nỏ, Đi cà kheo ở huyện miền núi Minh Hóa đã thu hút một lượng lớn quần chúng nhân dân tham gia tập luyện, thi đấu cũng như tới xem và cổ vũ. Bên cạnh đó, hoạt động luyện tập TDTT tại các câu lạc bộ cũng được đẩy mạnh và trở thành tiêu chí thi đua hàng năm của nhiều địa phương, đơn vị. Các giải thể thao quần chúng được tổ chức ổn định, có quy mô, chất lượng và ngày càng mang tính xã hội hóa cao.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức từ 10 đến 15 giải thi đấu cấp tỉnh; 11 đến 13 giải phối hợp thi đấu liên ngành; 60 đến 70 giải cấp huyện, thành phố và trên 1.000 giải cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân tham gia luyện tập và thi đấu thể thao, các địa phương còn phát động phong trào xây dựng gia đình thể thao và tiến hành bình xét qua hàng năm.
Nhờ vậy, số gia đình thường xuyên tham gia luyện tập thể dục thể thao và được cấp giấy chứng nhận, được biểu dương, khen thưởng cũng ngày càng được nâng lên. Cách làm này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa TDTT quần chúng.
Công tác xã hội hóa TDTT đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển TDTT nước nhà ở hiện tại cũng như trong tương lai, do đó nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã lấy đó là nhiệm vụ trong tâm hướng đến sự phát triển của tỉnh nói riêng và của toàn ngành TDTT Việt Nam nói chung. Hy vọng, với những thành tích đạt được Quảng Bình sẽ tiếp tục có những hướng đi và thành công mới trong công tác xã hội hóa TDTT ở tương lai.
N. H