You must configure this module first via "Module Settings"

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà giáo dục vĩ đại!

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam không chỉ được biết đến là một danh nhân văn hoá kiệt xuất được thế giới công nhận. Ở Người hội tụ đầy đủ những tinh hoa của nhân loại. Người không chỉ là nhà lãnh đạo tài ba, một nhà Báo, nhà Văn... mà còn là một nhà giáo dục vĩ đại.

Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, cuộc sống vô cùng khó khăn thiếu thốn, nhưng ngay từ nhỏ, cậu học trò nghèo Nguyễn Tất Thành đã ý thức được việc học. Theo quan niệm của Người, học là công việc hàng ngày, liên tục và phải học suốt đời. Học để nâng cao trình độ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; học để phục vụ lợi ích của Đảng, nhân dân, Tổ quốc và cả nhân loại. Học phải đi đôi với hành, nghĩa là lý luận phải gắn liền với thực tiễn.

Tại buổi nói chuyện với sinh viên lớp nghiên cứu chính trị khoá I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác đã căn dặn ““Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

Với quan niệm ấy, đối với Bác, việc học không chỉ để có kiến thức, học không phải để làm quan, mà “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” và muốn đạt mục đích đó thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư..

Quan niệm học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn diện và sâu sắc. Và trong suốt cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về ý chí và quyết tâm học. Người học luôn gắn liền với hành, ở mọi nơi, mọi lúc và tự học là chính. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước (1911), Bác đã học lớp trung đẳng (lớp nhì) tại Trường Quốc học Huế và lớp cao đẳng (lớp nhất) ở Trường Tiểu học Quy Nhơn với thầy Phạm Ngọc Thọ. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người có học ở Trường Đại học Phương Đông (1923), Đại học Quốc tế Lênin (1934), nghiên cứu sinh Viện nghiên cứu các vấn đề thuộc địa (1937) với luận án về cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á. Năm 1935, dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lý lịch của mình như sau: Trình độ học vấn: tự học; ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc.

Với tinh thần học tập nghiêm túc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán thói tự mãn luôn cho mình là giỏi hơn người khác, giấu dốt, lười biếng học tập. Năm 1957,  trong bài nói chuyện với sinh viên lớp lý luận chính trị khóa I trường Nguyễn Ái Quốc, Bác đã căn dặn: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.

 Năm 1958, trong bài đạo đức cách mạng đăng trên tạp chí Học tập số 12, Bác viết: “Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng và chỉ muốn làm thầy quần chúng”.

Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới.

Khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng hàng ngày, trên bàn làm việc của Bác lúc nào cũng đầy sách báo. Bác luôn luôn cố gắng, học, đọc để cập nhật, nâng cao kiến thức cho bản thân và vận dụng vào thực tiễn. Cuộc đời của Bác là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Người là nơi hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại. Quá trình ấy đã tạo nên Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời mà chúng ta phải noi theo.

Việc học để có tri thức, học để làm người công dân có ích cho xã hội là nghĩa vũ, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Khoa học ngày càng phát triển, để làm chủ được những tri thức của xã hội loài người, con đường duy nhất chính là sự “học”. Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần học tập, tự học... để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học, mỗi công dân Việt Nam đều nêu cao tinh thần tự giác, luôn trau dồi, nâng cao kiến thức sẽ góp phần thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển. Đó cũng chính là việc làm thiết thực nhất để thực hiện thành công cuộc vận động toàn dân rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã phát động.

 HKT

Ảnh trong bài
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà giáo dục vĩ đại!