You must configure this module first via "Module Settings"

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng

Chỉ thị 36-CT/TW ban hành ngày 24/3/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII về “công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới” đã nêu rõ: “Phát triển thể dục thể thao là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội, là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó ngành TDTT giữ vai trò nòng cốt. Xã hội hóa tổ chức hoạt động thể dục thể thao dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước”... để sự nghiệp TDTT Việt Nam ngày càng phát triển, trên cơ sở những thành tích đã đạt được, cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể...

Xã hội hóa thể dục thể thao (TDTT) là một trong những quan điểm cơ bản của Đảng ta về phát triển thể dục thể thao, những quan điểm đó được Đảng và Nhà nước đề ra từ rất sớm và ngày càng rõ nét, phù hợp với thực tiễn của công cuộc đổi mới của đất nước và đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp TDTT nước ta. Cùng với Chỉ thị 36-CT/TW, Đảng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Thông tư ­ và Nghị quyết về phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong đó nhấn mạnh đến công tác xã hội hóa thể dục thể thao; Quốc hội đã ban hành Luật thể dục, thể thao; Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định: “về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”, “về việc ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước”…

Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới cùng với những thành tựu về chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội, sự nghiệp thể dục thể thao nước ta đã có bước phát triển mới và thu được kết quả đáng ghi nhận cả về thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển sâu, rộng trên địa bàn cả nước, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng người tập TDTT thường xuyên sự phát triển đa dạng của các loại hình tập luyện, các câu lạc bộ TDTT và chất lượng hoạt động TDTT ở từng đối tượng.

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học đã có những chuyển biến bước đầu; hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh, sinh viên ngày càng đa dạng. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều thành tích, thể hiện trên số lượng huy chương đạt được tại các cuộc thi đấu quốc tế. Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn, đặc biệt là tổ chức tốt SEA Games lần thứ 22 năm 2003 và Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 tại Việt Nam năm 2009.

Công tác tổ chức, quản lý ngành TDTT được tăng cường một bước và đang dần được củng cố. Chuyên nghiệp hoá thể thao được triển khai thí điểm và bước đầu có kết quả khả quan ở một số môn. Kết quả bước đầu đạt được trong quá trình chuyên nghiệp hóa môn bóng đá đã được áp dụng đối với một số môn thể thao khác Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành TDTT bước đầu được quy hoạch, đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới; hợp tác quốc tế về thể thao ngày càng được tăng cường và mở rộng, vị thế của thể thao Việt Nam đã được nâng cao.

Đạt được những kết quả trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành thể dục thể thao và sự đóng góp tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức sự nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao. Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể dục thể thao được thành lập đã có những đóng góp nhất định trong tổ chức các hoạt động thi đấu thể dục thể thao, đào tạo, tập huấn vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, vận động tài trợ …

Hiện nay, quá trình hội nhập trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá-xã hội, trong đó có thể dục thể thao với các nước trên thế giới đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Quản lý xã hội của đất nước ta đã chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc xã hội hoá lĩnh vực thể dục thể thao sẽ tạo điều kiện cho sự nghiệp thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn và một số hoạt động sẽ phát triển theo hướng kinh doanh dịch vụ. Xây dựng và phát triển các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể dục thể thao sẽ thu hút được đông đảo quần chúng tham gia hoạt động thể dục thể thao, phát huy được các nguồn lực và khả năng sáng tạo của nhân dân trong phát triển sự nghiệp thể dục thể thao đất nước.

*Một số kết quả đạt được trong quá trình thực hiện xã hội hóa TDTT

Hệ thống các tổ chức xã hội hóa về TDTT được tăng cường, bước đầu phát huy tác dụng trong tổ chức, điều hành các hoạt dộng TDTT. Ở trung ương có Ủy ban Olmpic Quốc gia và 22 Liên đoàn (Hội) thể thao. Các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia đều là thành viên của liên đoàn, hiệp hội thể thao ở Đông Nam Á, Châu Á và Thế giới. Số lượng các cơ sở TDTT ngoài công lập tăng nhanh, với nhiều loại hình mới phong phú, đa dạng Ở cấp ngành các tổ chức xã hội về thể dục thể thao là các liên đoàn, hiệp hội thể thao nhưng cùng một đối tượng và có tính quốc gia. Các tỉnh, thành phố có các tổ chức xã hội về thể dục thể thao là các liên đoàn, hiệp hội thể thao cấp tỉnh, thành phố; nhiều địa phương đã bước đầu thực hiện có kết quả việc chuyển giao các cơ sở TDTT công lập sang loại hình bán công, đơn vị cổ phần hoặc giao khoán cho tư nhân quản lý, khai thác. Các câu lạc bộ thể dục thể thao ngoài công lập đã đóng vai trò rất tích cực trong việc duy trì, tổ chức các hoạt động TDTT phục vụ quần chúng nhân dân, phát hiện và đào tạo năng khiếu thể thao ban đầu, chủ yếu trong các môn như võ thuật, điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cờ tướng, cờ vua... Các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao và chính quyền các cấp đã biết dựa vào dân, khai thác tiềm năng trong dân để phát triển đa dạng các loại hình hoạt động thể dục thể thao quần chúng; kinh phí huy động trong dân cho các hoạt động thể dục thể thao có tính phong trào tăng nhanh hàng năm và chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều lần so với kinh phí nhà nước; việc chuyển giao các câu lạc bộ thể thao, các đội thể thao thành tích cao từ  các cơ quan nhà nước quản lý sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự hạch toán, câu lạc bộ thể thao do doanh nghiệp tài trợ, đỡ đầu hoạt động hoặc chuyển đổi toàn bộ sang cho doanh nghiệp quản lý tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ; việc đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao cũng thể hiện khá rõ nét chủ trương xã hội hoá.  

Hệ thống các tổ chức xã hội về TDTT được kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động. Phần lớn các địa phương có từ 5-10 liên đoàn, hiệp hội thể thao cấp tỉnh hoạt động tương đối hiệu quả; các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… có từ 10 đến trên 20 liên đoàn, hiệp hội thể thao. Các liên đoàn, hiệp hội thể thao ở trung ương cũng đã được kiện toàn về tổ chức, bộ máy và mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động nhằm thích ứng với cơ chế mới. Cùng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các Liên đoàn thể thao quốc gia khác đã từng bước tự chủ về kinh phí, trụ sở, biên chế và bộ máy. Trong những năm qua đã có thêm nhiều tổ chức xã hội về TDTT được thành lập mới. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án chuyển giao một số hoạt động tác nghiệp về TDTT cho các tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp.

Những thành tựu đạt được trong quá trình xã hội hóa TDTT những năm qua đã khẳng định quan điểm, đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng nhằm phát triển sự nghiệp TDTT nước ta, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa thể dục thể thao vẫn còn những hạn chế, như: Nhận thức về xã hội hóa thể dục thể thao còn thiếu nhất quán. Ở nhiều nơi còn có tư tưởng coi xã hội hóa thể dục thể thao đơn thuần là các biện pháp nhằm huy động kinh phí ngoài ngân sách. Có nơi coi xã hội hóa là phương thức duy nhất để phát triển TDTT, dẫn tới buông lỏng quản lý và thiếu quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho sự nghiệp TDTT. Hệ thống các cơ sở thể thao ngoài công lập ít về số lượng, nhỏ về quy mô và còn có những khó khăn, bất cập trong triển khai hoạt động. Phần lớn các liên đoàn, hiệp hội thể thao ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố còn yếu, chưa phát huy hết vai trò trong quá trình xã hội hoá.

Để mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tập luyện thể dục thể thao; nâng cao thành tích thi đấu thể thao; huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo giáo dục thể chất cho nhân dân, nhằm tăng cường sức khỏe, xây dựng còn người mới phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, phục vụ lao động sản xuất, học tập và công tác, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; duy trì và ổn định vị trí là 1 trong 3 quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, phấn đấu đạt huy chương tại một số nội dung của một số môn thể thao trong các cuộc thi vô địch thế giới và thế vận hội Olympic, với mục tiêu đó vài trò của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế đóng góp phần lớn, như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lẩn thứ XI cũng khẳng định: Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hoá, xã hội. Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể,.... Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao đại chúng, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng một số môn thể thao thành tích cao nước ta có ưu thế…”, trước mắt cần tập trung một số giải pháp chính nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao sau:

Một là, các cấp ủy Đảng và Chính quyền cần nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm xã hội hóa thể dục thể thao của Đảng và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực công tác này.

Xã hội hóa thể dục thể thao cần hướng về cơ sở, về người dân để tổ chức, hướng dẫn và phát triển các nhu cầu về thể dục thể thao của nhân dân; tạo các điều kiện và môi trường thuận lợi để nhân dân tự đáp ứng các nhu cầu của mình. Thông qua đó để tập hợp, vận động và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Các cấp uỷ Đảng từ trung ương đến địa phương thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra việc củng cố, xây dựng và tạo điều kiện phát triển hệ thống các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế về thể dục thể thao để đẩy nhanh quá trình xã hội hoá thể dục thể thao.

Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế về thể dục thể thao, thu hút mạnh mẽ sự tham gia, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong xã hội cho phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.

Xây dựng, củng cố các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế về thể dục thể thao.

Hai là, Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao

Để đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, trong thời gian tới cần phải tiếp tục đổi mới và đổi mới triệt để cơ chế tổ chức quản lý TDTT. Có thể coi đây là khâu đột phá, tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của nhân dân, của xã hội để phát triển thể dục thể thao.

Đổi mới quản lý nhà nước về thể dục thể thao, phát huy vai trò của Ủy ban Olympic quốc gia, các liên đoàn, hiệp hội thể thao trong việc điều hành các hoạt động thể thao, đồng thời hình thành các tổ chức tương ứng để thực hiện các loại chức năng đó. Bảo đảm quản lý thống nhất tất cả các tổ chức xã hội về TDTT; kết hợp đổi mới tổ chức với đổi mới cán bộ và đổi mới phương thức quản lý.

Ba là, Hoàn thiện và xây dựng các tổ chức xã hội về thể dục thể thao

Chỉ có các tổ chức xã hội đa dạng mới có khả năng thu hút được đông đảo quần chúng tham gia hoạt động TDTT phong phú ở cơ sở; phát huy các nguồn lực và khả năng sáng tạo to lớn của nhân dân. Mặt khác, chỉ bằng cách đưa quần chúng vào tổ chức phù hợp thì mới thực hiện được sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong lĩnh vực TDTT; ngăn chặn và khắc phục các khuynh hướng lệch lạc trong các hoạt động TDTT.

Do vậy việc hoàn thiện và xây dựng các tổ chức xã hội về TDTT, thực hiện các cơ chế quản lý nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và các tiềm năng của nhân dân, phải được coi là giải pháp chiến lược thúc đẩy việc thực hiện xã hội hóa TDTT, đem lại những động lực mới cho thể dục thể thao. Vấn đề có tính nguyên tắc để xây dựng các tổ chức này là tự nguyện, tự quản, tuân thủ pháp luật; từng bước phù hợp với trình độ của phong trào, kết hợp chặt chẽ với các tổ chức của Nhà nước.

Bốn là, Đổi mới phương pháp quản lý thể dục thể thao

Trước hết cần xây dựng và hoàn chỉnh các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các quy chế, luật lệ chuyên môn mang tính xã hội, nghề nghiệp, coi đó là công cụ quan trọng để quản lý hoạt động TDTT, là cơ sở để giải quyết và điều chỉnh các mối quan hệ và tình huống phức tạp nảy sinh trong hoạt động TDTT.

Hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT, giúp cho TDTT phát triển một cách có chủ đích, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là giúp cho việc sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả các nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT.

Chuyển giao việc điều hành các hoạt động chuyên môn cho các tổ chức xã hội về TDTT. Cải tiến và hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao; phương pháp chỉ đạo và tiến hành các cuộc vận động, các phong trào thể dục thể thao, các đại hội TDTT.

Ngoài ra cần thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy tính tích cực của các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xã hội hóa TDTT như: tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kinh nghiệm TDTT; tổ chức thi đua, khen thưởng; các biện pháp kinh tế; các biện pháp lồng ghép, phối hợp liên ngành...

Phan Thanh Cẩm (Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương)

Ảnh trong bài
  • Đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng